Du lịch

Golf là một sản phẩm lợi thế để Hải Phòng phát triển du lịch

Sản phẩm du lịch Hải Phòng phát triển đa dạng và có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu, hình thành và phát triển thêm các sản phẩm mới. Trong đó, du lịch thể thao (Golf tour) có hiệu ứng mạnh mẽ, trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của Hải Phòng.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

TTXVN - Hội thảo “Hải Phòng - Điểm đến du lịch golf” đã diễn ra chiều 9/8 với sự tham gia của 150 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch.

Đây là sự kiện do Báo Tiền Phong và Sở Du lịch Hải Phòng phối hợp tổ chức, song hành cùng Giải Vô địch Golf quốc gia năm 2023 - Cúp VinFast (từ ngày 8-11/8). Thông qua giải đấu thể thao để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của Hải Phòng nhằm tăng sức hấp dẫn về du lịch, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch golf.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định, du lịch Hải Phòng đã tăng trưởng cả về quy mô, chất lượng và thu hút lao động. Vị trí của kinh tế du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội thành phố được khẳng định. Du lịch được xác định là một trong ba trụ cột, đột phá chiến lược cần triển khai trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sản phẩm du lịch Hải Phòng phát triển đa dạng và có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu, hình thành và phát triển thêm các sản phẩm mới. Trong đó, du lịch thể thao (Golf tour) có hiệu ứng mạnh mẽ, trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của Hải Phòng.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Golf vừa là một bộ môn thể thao, vừa là hoạt động giải trí thú vị và cũng là ngành công nghiệp mang lại doanh thu quan trọng cho nền kinh tế. Hiện có khoảng 70 triệu người chơi golf với 32.000 sân golf trên khắp thế giới, trong đó từ 5-10% khách du lịch chỉ có mục đích duy nhất là chơi golf.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm đến 2030, việc phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm golf là một định hướng trọng tâm phát triển tổng thể du lịch nước ta. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) đã bình chọn Việt Nam 6 năm liên tiếp là Điểm đến golf hàng đầu châu Á (2017 - 2022) và Điểm đến golf hàng đầu thế giới năm 2019, 2021, từ đó khẳng định thương hiệu, sức hút, vị thế của Việt Nam trong khu vực, thế giới. Riêng Hải Phòng có các điều kiện hoạt động golf hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các điểm đến nổi tiếng về golf khác ở nước ta…

Hội thảo gồm hai phiên thảo luận có chủ đề: “Du lịch Hải Phòng cất cánh”, “Hiến kế thúc đẩy du lịch golf tại Hải Phòng”. Các đại biểu đã trao đổi giải pháp thu hút khách quốc tế đến Hải Phòng, ưu thế trong phát triển du lịch golf và thúc đẩy phát triển bền vững...

Theo đó, những năm gần đây, sản phẩm du lịch Hải Phòng phát triển đa dạng, phát triển thêm 4 sản phẩm mới gồm: Du lịch du thuyền, du lịch thể thao (Golf tour), du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch ẩm thực (Hải Phòng Foodtour). Đặc biệt, du lịch thể thao (Golf tour) đã trở thành một sản phẩm lợi thế của Hải Phòng. Du lịch golf được các chuyên gia đánh giá là một sản phẩm tiềm năng, đang phát triển mạnh và đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng.

Theo đó, Hải Phòng có đủ 5 loại hình giao thông, vị trí địa lý, cự ly bay lý tưởng, nằm gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản... du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, khí hậu lý tưởng cho phép khách du lịch golf hoạt động quanh năm.

Đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thẳng thắn cho rằng: Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch golf Hải Phòng vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Trong đó, số lượng sân golf còn ít; chi phí của người chơi cao hơn so với các nước trong khu vực và thu nhập của người dân. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với sân golf chưa chặt chẽ, du lịch golf chưa kết nối với những loại hình du lịch khác…

Các đại biểu đã nêu một số giải pháp để Ban tổ chức nghiên cứu, thực hiện như tăng cường hạ tầng du lịch golf, nâng cao chất lượng tour, quảng bá Việt Nam như một điểm đến của du lịch golf, tạo sự kiện golf quốc tế, tăng cường liên kết vùng, đào tạo nhân lực phù hợp. Nhiều đại biểu cho rằng cần kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền về chính sách để tăng sức cạnh tranh cho du lịch golf Việt Nam…/.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm