Xã hội

Góp “đất vàng” làm đường: Việc khó, dân liệu cũng xong

TP. Hồ Chí Minh

Với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, vì lợi ích cộng đồng, hàng trăm ngàn hộ gia đình đã hiến đất, mở rộng hẻm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào vận động nhân dân của hiến đất mở rộng đường, hẻm.

Hẻm 142D đường Cô Giang (quận Phú Nhuận) trong quá trình thi công mở rộng từ hơn 4,5m thành 8m. 
Ảnh: TTXVN phát

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, “mỗi tất đất là tất vàng” nên việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm không dễ. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, vì lợi ích cộng đồng, hàng trăm ngàn hộ gia đình đã hiến hàng triệu mét vuông đất, mở rộng hẻm góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều khu dân cư. Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào vận động nhân dân của hiến đất mở rộng đường, hẻm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết, nêu bật những thành quả ấn tượng 25 năm tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia phong trào trên tại Thành phố.

Bài 1: Việc khó, dân liệu cũng xong

Thành phố Hồ Chí Minh trước những năm 2000, tồn tại rất nhiều xóm nhỏ có con hẻm ngoằn ngoèo thậm chí  xe máy cũng không qua lọt. Nhiều con hẻm quanh năm nắng không chạm đất bởi nhỏ, hẹp cùng những mái nhà vươn ra không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ẩm mốc; trật tự an ninh, phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo…

* Từ người dân đồng lòng...

Xuất phát từ thực tiễn, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý tưởng mở rộng hẻm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngay từ những năm đầu đất nước đổi mới. Trong đó, quận Phú Nhuận là địa phương đi đầu trong phong trào này.

Tuy nhiên, những năm đầu, việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm không dễ dàng vì tại đây mỗi mét vuông đất là cả một khối tài sản. Trong khó khăn đó, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các cấp đã làm tốt vai trò nêu gương, tạo thành phong trào hiến đất mở hẻm toàn Thành phố.

Hẻm 127 Cô Giang, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi người dân hiến đất mở rộng hẻm.
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ông Võ Thành Minh, cán bộ hưu trí, ngụ hẻm 127 Cô Giang, quận Phú Nhuận đến giờ vẫn nhớ câu chuyện gia đình quyết định hiến 40m2 (2m chiều ngang, 20m chiều dài) để mở rộng hẻm khiến nhiều người bất ngờ.

Thời điểm đó, nhiều nhà đối diện có diện tích nhỏ, ngắn, chỉ tầm 3m. Nếu họ phải lùi 1m sẽ khiến căn nhà trở nên chật hẹp, siêu mỏng, khó cho cả gia đình sinh sống. “Do vậy, thay vì lùi 1m, gia đình tôi nhất trí lùi vào 2m để bà con cô bác nhà đối diện không phải hiến đất mở rộng hẻm”, ông Minh kể.

Quyết định đúng đắn và kịp thời của gia đình ông Minh không chỉ san sẻ khó khăn cho những căn nhà đối diện mà còn vì lợi ích chung của cả xóm. Quyết định đó đã tạo động lực cho 23 hộ khác đồng lòng, tình nguyện hiến một phần đất để con hẻm mở rộng từ 2m lên 6m, từ đó taxi, xe chữa cháy, xe cấp cứu ra vào dễ dàng, người dân cũng thuận lợi kinh doanh, cuộc sống thêm ổn định.

Cùng với ông Minh, nhiều đảng viên, đoàn viên, hội viên ở Thành phố Hồ Chí Minh khi hiểu câu chuyện hiến đất mở rộng hẻm đã không ngại đi đầu ủng hộ mà còn tuyên truyền, vận động người thân cùng tham gia góp công, góp sức mở rộng hẻm cùng nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa.

Ý thức từ việc mở rộng hẻm, ông Nguyễn Văn Kỉnh, ngụ ở hẻm 606, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức cũng đã hiến 327m2 đất trị giá hàng chục tỷ đồng để mở rộng hẻm. Để đẩy nhanh tiến độ mở hẻm, ông còn tự tháo dỡ 165m tường rào, giao đất cho đơn vị thi công và cùng chính quyền địa phương đi vận động người dân trong khu vực đồng thuận hiến đất.

Ông Kỉnh cho biết, trước đây con hẻm nhỏ, có đoạn chỉ rộng 1m, thấp trũng, ngập nước vào mùa mưa, nay đã khang trang, sạch đẹp với bề rộng 6m, có nơi rộng tới 10m; nhiều khu vực được người dân trồng hoa, cây cảnh, tạo mảng xanh mát dịu… “Có được con hẻm rộng đẹp như hiện nay là nhờ công tác dân vận, vận động quần chúng tốt của các đoàn thể, chính quyền địa phương và hơn hết là nhờ sự đồng thuận, sẻ chia, góp công, góp đất rất lớn của các hộ dân dọc theo suốt con hẻm…”, ông Kỉnh chia sẻ.

Hẻm 359 Lê Văn Sỹ (Quận 3) sau khi được mở rộng từ hơn 2m thành 8m khang trang, sạch đẹp. 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Tại Quận 3, phong trào hiến đất mở rộng hẻm cũng sôi động và lan tỏa mạnh mẽ từ năm 2005, nhất là tại khu vực hai Giáo xứ Vườn Xoài và Bùi Phát thuộc phường 12. Để có được sự đồng thuận, đích thân Linh mục Chánh xứ Đinh Tất Quý, Giáo xứ Bùi Phát đã tham gia cùng chính quyền địa phương, khu phố, tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà dân vận động.

Lúc đó, ông Vũ Quang Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Vườn Xoài đã hiến 10m2 đất ủng hộ chủ trương cải tạo, chỉnh trang con hẻm 359 Lê Văn Sỹ rộng từ hơn 2m thành 8m khang trang, sạch đẹp. UBND Phường 12 đã gặp gỡ Hội đồng Mục vụ giáo xứ và thống nhất sắp xếp di dời hàng rào cho con hẻm thẳng và rộng rãi hơn...

Theo bà Trần Thị Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy Quận 3, ban đầu người dân cũng hoài nghi, ít ai chịu cắt bớt một phần đất của mình để làm hẻm chung. Do vậy, Ban Vận động hiến đất, Linh mục và một số giáo dân đã kiên trì giải thích, thuyết phục. Công tác vận động nhân dân trở nên thuận lợi hơn do sự ủng hộ của 2 giáo xứ và những người có uy tín trong cộng đồng. Ban Điều hành khu phố tự cắt đất, dời nhà vào trong; nhiều công chức, viên chức, giáo dân cũng dần tham gia hiến đất bởi thấy được những lợi ích chung của cộng đồng từ việc mở rộng hẻm.

“Một hộ thông, rồi 2, 3 hộ thông và chỉ trong 3 năm đầu, Phường 12 đã mở được 9 con hẻm với hơn 400 hộ dân hiến đất, đạt chuẩn bê tông nhựa nóng 6m, ngầm hóa lưới điện, nước…”, bà Hường chia sẻ.

Từ Quận 3, quận Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức, nhiều địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành những “Ngày hội người dân hiến đất mở rộng hẻm", thu hút rất nhiều gia đình nhường phần đất, lùi nhà để con hẻm được rộng hơn, thông thoáng hơn.

*.... Đến những con hẻm “triệu đô”

Hẻm 359 Lê Văn Sỹ (Quận 3) trong quá trình thi công mở rộng từ hơn 2m thành 8m. 
Ảnh: TTXVN phát

Nhắc đến câu chuyện mở hẻm, ông Trần Thanh Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, tuy có địa giới hành chính ở trung tâm của Thành phố, song Quận 3 nổi tiếng với những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, len lỏi giữa các khu dân cư sầm uất. Những con hẻm này không chỉ là nét đặc trưng của quận, mà còn là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa và cả những đổi thay của đô thị.

Điển hình hẻm 62 Lý Chính Thắng dài gần 400m, rộng hơn 2,5m, nơi hẹp nhất chưa đến 1m gần địa chỉ đỏ Di tích lịch sử cấp Quốc gia Tiệm phở Bình (Sở Chỉ huy tiền phương - Phân khu 6, Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh trên đường Yên Đỗ nay là Lý Chính Thắng). Do hẻm có nền thấp nên mỗi khi triều cường dâng cao, nước từ kênh Nhiêu Lộc gần đó tràn vào làm nhiều nhà ngập quá đầu gối, ảnh hưởng đời sống.

Từ thực tế, nhiều đảng viên, cựu chiến binh trong hẻm xác định mở rộng hẻm là chủ trương đúng đắn và cũng là mong muốn từ lâu. Tuy nhiên, nhiều người dân trăn trở khi hiến đất, nhất là giá trị đất ở nơi đây khá cao. Hiến đất tư thành đất công cộng, một vài mét đất khu vực trung tâm Thành phố là 1 khoản tiền lớn khiến nhiều người băn khoăn.

Ông Bùi Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND Phường 8 (nay là phường Võ Thị Sáu) cho biết lúc đó cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc. Mỗi hộ có cách tiếp cận riêng, Ban vận động chia các hộ dân theo cụm 5 nhà gần nhau rồi chọn gia đình có ảnh hưởng nhất thuyết phục trước từ đó lan ra các hộ khác. Có nhà là chỗ ở của hai gia đình, người chị đồng ý nhưng người em lại không hoặc vợ con đồng ý thì khi người chồng lại phản đối... Do đó, ngoài những cuộc họp chung tại khu phố, Ban vận động thường xuyên gặp riêng từng người để thuyết phục.

"Cán bộ, đảng viên, Hội Cựu chiến binh đi đầu; đồng thời tận dụng các buổi cà phê, trà nước, kiên trì vận động thuyết phục người dân hàng năm trời. Ngoài làm việc cơ quan, tôi cũng tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ để xuống gặp dân kiểu mưa dầm thấm lâu", ông Tuấn nhớ lại.

Sau gần một năm rưỡi kiên trì, đến cuối năm 2019, còn hai hộ không đồng ý nhưng tỷ lệ dân đồng thuận đã đạt theo yêu cầu, chính quyền khởi công dự án. Tổng diện tích đất hiến gần 2.000m2, quy đổi ra tiền tại thời điểm đó hơn 95 tỷ đồng. Con hẻm hoàn thành, ai cũng nhận ra chủ trương hiến đất, mở rộng hẻm là đúng đắn, là xứng đáng. Ai cũng cảm thấy được nhiều hơn mất, mất vài mét đất để có được con hẻm khang trang, có nơi rộng đến 6m xe hơi vào được, điện nước được ngầm dưới đất...

Tương tự, để hẻm 74 Trương Quốc Dung (Phường 10, quận Phú Nhuận) được bê tông hóa, mở rộng thông thoáng, sạch, đẹp hơn 9m trước cửa nhà, nhiều hộ dân hẻm không chỉ đề đạt nguyện vọng mà đã liên tục 2 lần hiến đất…

Bà Huỳnh Thị Mỹ, nguyên Chủ tịch UBND Phường 10, quận Phú Nhuận nhớ lại buổi họp tổ dân phố lần đầu tiên nhiều người có ý kiến mong muốn mở rộng con hẻm nhỏ, lầy lội, đi lại rất bất tiện. Tuy mở rộng hẻm ai cũng vui, nhưng khi nghĩ đến chuyện phải mất một phần nhà, phần đất thì nhiều người không hào hứng lắm bởi tính ra mỗi nhà mất ít nhất hàng chục cây vàng.

Bà Mỹ đã phải giải thích cặn kẽ; đồng thời cam kết linh động hỗ trợ người dân thực hiện tháo dỡ; kết nối với đơn vị điện lực, cấp nước làm thủ tục di dời đồng hồ điện nước; sửa chữa, nâng cấp một số hệ thống cống thoát nước hư cũ, tạo cảnh quan an toàn, sạch đẹp xuyên suốt toàn tuyến hẻm…

Ban đầu, gia đình bà Mai Thị Hồng (ở 74/25 Trương Quốc Dung) cũng đắn đo cùng nhiều người phản đối chủ trương hiến đất. Nhưng cách vận động của Phường có tình có lý, người dân không cảm thấy bị thiệt thòi. Hơn nữa, người dân tháo dỡ nhà nhường đất đến đâu, địa phương nhanh chóng làm bù lại con hẻm rộng đến đó nên dần dần thu hút đông đảo người dân chấp nhận.

Có đất, năm 1994, chính quyền địa phương nâng cấp con hẻm rộng rãi, khang trang hơn. Nhận thấy lợi ích lớn khi con hẻm được mở rộng, năm 2004, khi Nhà nước có chủ trương mở rộng hẻm 74 Trương Quốc Dung, người dân tiếp tục hiến thêm một phần đất của mình để con hẻm nay rộng rãi như một con đường lớn rộng 9m…

Sự ủng hộ đồng tình từ người dân, các hộ gia đình hiến đất đã từng bước biến những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo trở thành tuyến hẻm khang trang rộng đến 8-9m. Giá trị nhà, đất cũng từ đó tăng dần theo độ mở rộng của hẻm, nhất là các hẻm ô tô ra vào được… Đó là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Thành phố, và mô hình dân vận hiệu quả tiếp tục lan tỏa đến rất nhiều địa phương trong cả nước./.

 

Phan Thanh Vũ

Xem thêm