Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm hơn đến hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi
Co đại biểu đề nghị giá đền bù đất phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của người có đất thu hồi.
TTXVN - Chiều 24/2, tại Huyện ủy huyện Thuận Thành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và huyện Thuận Thành tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân trình bày một số nội dung cơ bản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai; giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Dự thảo Luật có một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc xây dựng bảng giá đất; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất…
Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển quỹ đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cho ý kiến về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…
Theo đó, ông Lê Xuân Giá, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đề nghị khi thực hiện thu hồi đất nông nghiệp để triển khai các dự án công trình phát triển kinh tế, xã hội đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm đến chế độ chính sách đối với hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi; bên cạnh đó, giá đền bù đất phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích của người có đất thu hồi. Ngoài ra, thời gian qua, việc khiếu kiện về đất đai còn nhiều, vì vậy cần quan tâm, luật hóa trách nhiệm chính quyền các cấp trong việc giải quyết nguyện vọng chính đáng ngay từ cơ sở.
Ông Đỗ Đình Hảo, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại điểm a, Khoản 3, Điều 85 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Nội dung này khó thực hiện vì khi tổ chức bồi thường, hỗ trợ đã có phương án bồi thường chi trả bằng tiền không nên áp dụng trả tiếp bằng đất khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 89, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định rõ việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và tại Khoản 3, Điều 89, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ông Đỗ Đình Hảo đề nghị bỏ nội dung này vì đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở. Vì “quy định bồi thường bằng đất khác” chưa xác định cụ thể là loại đất gì, dễ hiểu nhầm và thực hiện không đồng bộ tại các địa phương.../.
- Từ khóa:
- Luật đất đai sửa đổi
- góp ý