Xã hội

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Hoàn thiện chính sách đất đai qua hoạt động kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước luôn xác định kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai và các vấn đề liên quan là nội dung trọng tâm quan trọng hàng đầu trong các cuộc kiểm toán

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN)

TTXVN - Ngày 10/3, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 12 điểm cầu của các Kiểm toán Nhà nước khu vực.

 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể, bước đầu khắc phục dần tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan.

Ông Đặng Thế Vinh cho rằng, Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất tổng thể, chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Việc giao đất, cho thuê đất một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất tại một số địa phương thực hiện chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống kinh tế của người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế hữu hiệu, chưa kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng; thị trường bất động sản chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi chưa đúng, chưa đầy đủ; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế; do đất đai có tính chất lịch sử, nguồn gốc phức tạp và nhạy cảm.

Theo đại diện Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này luôn xác định kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai và các vấn đề liên quan là nội dung trọng tâm quan trọng hàng đầu trong các cuộc kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các cuộc kiểm toán chuyên đề.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật và 7 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 34 văn bản quy phạm pháp luật và 18 văn bản khác do các địa phương ban hành liên quan đến đất đai.

Đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về đất đai, đại diện các đơn vị trong hệ thống Kiểm toán Nhà nước đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đã nêu tại các Báo cáo kiểm toán từ năm 2013 đến năm 2020 liên quan đến kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, xem xét quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo hướng: Nghiên cứu việc chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp đang sử dụng sang các mục đích khác phải thông qua hình thức đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước và góp phần phát triển bền vững sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước thu hồi đất để tổ chức đấu giá khi chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Cùng với đó là rà soát, thống nhất các quy định của pháp luật, giữa Luật Đất đai với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Khoáng sản …

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Những kết quả kiểm toán chủ yếu trong hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; một số quy định về tài chính, giá đất tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước; các phương pháp định giá đất - những hạn chế bất cập qua thực tiễn kiểm toán; một số bất cập về đấu giá quyền sử dụng đất và bồi thường, tái định cư qua kiểm toán…/.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm