Góp ý hoàn thiện Dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Các đại biểu nhất trí trí về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
TTXVN - Chiều 8/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để chuẩn bị trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu nhất trí trí về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhưng cho rằng bên cạnh một số nội dung Luật thì vấn đề kỹ thuật lập pháp, nhất là về cách thức sử dụng câu chữ, giải thích từ ngữ cần được chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn thiện.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai Luật nói trên, có rất nhiều từ ngữ được giải thích trong các điều luật mà không tập trung vào điều khoản quy định về giải thích từ ngữ trong mỗi Luật, không phù hợp với kỹ thuật lập pháp. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, cần tập trung các từ ngữ cần giải thích trong các điều luật vào trong một điều và sắp xếp từ ngữ theo bảng chữ cái để tiện cho việc tra cứu và phù hợp với kỹ thuật luật pháp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thảo, Trưởng khoa Cảnh sát giao thông, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, cần bổ sung và tập trung các khái niệm, giải thích từ ngữ trong luật; hạn chế việc sử dụng "văn nói" trong xây dựng pháp luật, như sử dụng cụm từ "lập điểm đón, trả khách trái pháp luật" thay cho "tự ý lập điểm đón, trả khách" trong Khoản 6 Điều 7 của Luật Đường bộ. Nhất trí với quan điểm với một số đại biểu, ông Trần Thảo đề xuất, cần xem xét bổ sung nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong điều luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bởi quá trình hình thành ý thức tuân thủ luật giao thông là một quá trình lâu dài, cần được xây dựng ngay từ nhỏ, trong các chương trình giáo dục của các cấp.
Cũng nhất trí với Luật sư Trương Thị Hòa về việc đưa vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nội dung quy định đảm bảo sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, tài sản theo quy định của pháp luật đối với người vi phạm giao thông, Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng Công an thành phố Thủ Đức nêu ý kiến, cần bổ sung thêm quy định về quyền của lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền kiểm tra, khám xét đối với đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật để tránh trường hợp tiêu hủy, tẩu tán tang vật hoặc quy định cho phép sử dụng vũ khí trấn áp đối với các hành động manh động, chống đối lực lượng chức năng…
Bên cạnh đó, Thượng tá Tân Xuân Tiên góp ý, Ban soạn thảo xem xét đưa vào trong Luật nội dung quy định bệnh viện, cơ sở y tế phải có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn, ma túy chất kích thích đối với người điều kiển phương tiện và nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan công an và cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ tai nạn theo đúng quy định của pháp luật. Trong thực tế công tác giải quyết các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Thủ Đức, có một số cơ sở y tế đã không thực hiện việc kiểm tra này, dẫn đến quá trình điều tra, xử lý vụ việc trở nên khó khăn, phức tạp.
Theo bà Vũ Quỳnh Hoa, đại diện Sở Y tế Thành phố, hiện nay, các văn bản triển khai của Sở Y tế đến các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố về xử lý các vụ tai nạn giao thông đều nhấn mạnh đến nội dung thực hiện các yêu cầu của cơ quan công an. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải 100% cơ sở y tế có đủ điều kiện để xét nghiệm nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy như yêu cầu cơ quan công an. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, tổng hợp cụ thể về khả năng thực hành xét nghiệm nồng độ cồn, chất kích thích, ma túy của các cơ sở y tế trên toàn Thành phố./.