Đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời nhiều vấn đề đã được thảo luận, đề xuất để góp phần hoàn thiện dự án Luật.
TTXVN - Ngày 29/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Dự án Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 57 điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời nhiều vấn đề đã được thảo luận, đề xuất để góp phần hoàn thiện dự án Luật. Cụ thể, góp ý tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, nhằm tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng để vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn".
Tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung người đứng đầu cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy không kịp thời, không đến nơi đến chốn; các lực lượng thờ ơ, vô cảm, bởi điều này sẽ dẫn đến thảm họa hoặc sự cố nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, góp ý tại Điều 36 về lực lượng phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ “lực lượng chuyên trách” để ứng phó, khắc phục các sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật đối với các ngành và lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần xem xét lại các lực lượng nòng cốt, tránh chồng chéo, xung đột giữa các lực lượng tham gia. Cụ thể như: lực lượng Công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã được chính quy nên thuộc Công an nhân dân, việc quy định là một lực lượng riêng theo dự thảo Luật là thừa.
Tại Điều 41 về Quỹ phòng thủ dân sự, đa số đại biểu chọn Phương án 1 đề nghị giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết. Theo ý kiến đại biểu, phải thành lập Quỹ trước khi xảy ra sự cố do hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, một khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì gây ra ảnh hưởng rất lớn. Khi sự cố, thảm họa xảy ra, việc có sẵn nguồn quỹ giúp các lực lượng có ngay nguồn lực để giải quyết được vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần tính toán, xem xét cụ thể quy định nhằm hạn chế các nguồn thu, vận động từ nhân dân, công chức, viên chức, người lao động.
Các đại biểu đề nghị cần phải chỉnh sửa câu từ rõ ràng, chặt chẽ hơn; các quy định cần đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo với các Luật khác đã ban hành./.