Ủy viên Bộ Chính trị Phan Đình Trạc nhấn mạnh, tăng cường sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước.
TTXVN - Chiều 29/3, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao và biểu dương những thành tích Ban Đối ngoại Trung ương đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Việc tích cực triển khai các nội dung về đối ngoại tại Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Ban đã góp phần quan trọng vào việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và đất nước.
Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh đã góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong triển khai công tác đối ngoại và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tham mưu chiến lược của Ban có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều sản phẩm có chất lượng.
Theo đó, tình hình quốc tế trong thời gian tới tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang đến cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương nói riêng.
Do đó, Ủy viên Bộ Chính trị Phan Đình Trạc đề nghị Ban Đối ngoại Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương về công tác đối ngoại và bảo vệ Tổ quốc; cụ thể hóa thành các đề án, chương trình.
Bên cạnh đó, Ban chú trọng chất lượng công tác tham mưu chiến lược; tăng cường nghiên cứu, theo dõi sát tình hình, chủ động, kịp thời tham mưu các chủ trương đối ngoại, không để bị động, bất ngờ; coi trọng công tác tổng kết lý luận và thực tiễn đối ngoại để hoàn thiện nền tảng lý luận và thực tiễn xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ủy viên Bộ Chính trị Phan Đình Trạc nhấn mạnh, tăng cường sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; phát huy vai trò nòng cốt của đối ngoại Đảng trong định hướng chiến lược chủ trương, đường lối đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa… giữa các cấp, ngành và địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ; phát huy trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Trước đó, báo cáo tổng kết về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh vị trí, vai trò của ngành Đối ngoại nói chung, Ban Đối ngoại Trung ương nói riêng, trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ban Đối ngoại Trung ương với chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại, tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động mạnh, số lượng cán bộ không nhiều, tập thể lãnh đạo Ban và Đảng ủy cơ quan đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8.
Công tác quán triệt Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và đặc thù của cơ quan. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra được cụ thể hóa thành kế hoạch hành động, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác bảo vệ chính trị nội bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược ngày càng được chú trọng với những phương thức mới. Hoạt động đối ngoại Đảng, đặc biệt là hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân được đổi mới; công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng được chú trọng triển khai. Những kết quả trên của Ban Đối ngoại Trung ương đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.