Xây dựng Đảng

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn

Bắc Giang

Nguồn kinh phí là điều kiện đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Công đoàn, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đồng Thúy -TTXVN)

TTXVN - Đó là chủ đề Hội thảo do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 28/3, với sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng cán bộ Công đoàn các cấp.

Theo Luật Công đoàn, tài chính Công đoàn gồm 4 nguồn thu: đoàn phí, kinh phí Công đoàn, chuyên môn hỗ trợ và thu khác; trong đó, kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tại Hội thảo, các ý kiến đều nhất trí cho rằng, nguồn kinh phí là điều kiện đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Công đoàn, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí sẽ góp phần kịp thời hỗ trợ thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thu, nộp, sử dụng kinh phí Công đoàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang Trần Văn Hoàn cho biết, trong quá trình tổ chức một số hoạt động, Công đoàn công ty gặp khó khăn về tài chính do kinh phí chuyên môn trích chuyển sang chưa kịp thời. Đồng thời, khoản thu đoàn phí chậm vì có một số tổ nộp theo quý. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về tài chính Công đoàn, còn lầm hiểu kinh phí này cũng là kinh phí của công ty.

Theo đại diện Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, thực tế, công tác thu kinh phí Công đoàn tại các khu công nghiệp còn gặp khó khăn do một số doanh nghiệp trên địa bàn phải giảm lao động hoặc giải thể. Một số doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí Công đoàn không đầy đủ. Bên cạnh đó, công nhân lao động trong các khu công nghiệp thường xuyên biến động, không ổn định, khó kiểm soát; đặc biệt là ở các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn…

Để tránh tình trạng thất thu kinh phí Công đoàn và sử dụng kinh phí này đúng, hiệu quả, các đại biểu đề xuất, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải hiểu rõ và trao đổi cụ thể với người sử dụng lao động về những quy định trong công tác tài chính, nhất là việc đóng kinh phí theo quy định.

Liên đoàn Lao động tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn quỹ phúc lợi của công ty cũng như tài chính Công đoàn, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, không để xảy ra thất thoát, sử dụng sai mục đích. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác tài chính cho chủ tịch và kế toán Công đoàn cơ sở. Các cấp Công đoàn cần tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Các đại biểu đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có phương án điều chỉnh mức phụ cấp cán bộ Công đoàn cơ sở hợp lý; bổ sung đối tượng chi phụ cấp kiêm nhiệm đối với người được bố trí kiêm nhiệm vụ kế toán tại Công đoàn cơ sở; sửa đổi phần mềm nộp kinh phí qua tài khoản chung tại ngân hàng Vietinbank...

Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Nhờ đó, hàng năm Liên đoàn đều hoàn thành dự toán kinh phí Công đoàn nộp về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đơn vị đã thực hiện đóng kinh phí định kỳ và dần đi vào nề nếp đảm bảo theo quy định, hạn chế dần tình trạng thất thu kinh phí Công đoàn. Các khoản chi bám sát dự toán giao, đảm bảo chế độ, định mức quy định; hiệu quả quản lý sử dụng tài chính Công đoàn đã được nâng lên. Việc thực hiện nộp kinh phí qua tài khoản chung Công đoàn Việt Nam dần đi vào nề nếp. Đến nay, 150 doanh nghiệp định kỳ thực hiện đóng kinh phí qua tài khoản chung./.

Đồng Thúy

Xem thêm