Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Ý kiến từ giới khoa học và chuyên gia
Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tái khởi động chương trình điện hạt nhân giai đoạn 2030 - 2031. Dự thảo Luật lần này cần đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng bộ với hệ thống quy định quốc tế và có tính thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng bền vững của đất nước.
Ngày 18/3 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với các quy định quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tái khởi động chương trình điện hạt nhân giai đoạn 2030 - 2031. Dự thảo Luật lần này cần đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng bộ với hệ thống quy định quốc tế và có tính thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng bền vững của đất nước.
Ông Tạ Đình Thi lưu ý thời gian để hoàn thiện Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) rất gấp rút, do đó, quá trình xây dựng dự thảo luật phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, tham khảo đầy đủ các mô hình quốc tế, đồng thời đảm bảo giám sát chặt chẽ trong suốt vòng đời của nhà máy điện hạt nhân, từ thiết kế, xây dựng, vận hành đến tháo dỡ, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và môi trường.
Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Luật năng lượng nguyên tử không chỉ phục vụ cho phát triển điện hạt nhân, mà còn là nền tảng quan trọng điều chỉnh các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu khoa học. Do đó, việc sửa đổi luật phải tiếp cận đa chiều, đảm bảo các nguyên tắc an toàn, an ninh hạt nhân và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiến sỹ Đặng Thanh Lương, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử đã có chủ trương từ năm 2010 nhưng bị đình trệ do dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng vào năm 2016. Nay dự án sửa luật được khởi động lại với tốc độ gấp rút, nhưng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí như giám sát chặt chẽ vòng đời nhà máy điện hạt nhân, từ khâu thiết kế, xây dựng đến vận hành và tháo dỡ, nhằm giảm thiểu rủi ro bức xạ và đảm bảo an toàn cho công chúng; bổ sung quy định về bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân khỏi tác động của phơi nhiễm bức xạ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và quản lý chất thải phóng xạ...
Quốc hội cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về an toàn bức xạ và hạt nhân- Tiến sỹ, Đặng Thanh Lương đề xuất.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra nhiều góp ý quan trọng nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học và phù hợp với bối cảnh thực tiễn./.
- Từ khóa:
- Luật năng lượng nguyên tử