Văn hóa

Hà Nam tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa

Nhiều giải pháp phục hồi và khởi động lại các hoạt động du lịch văn hóa, trong đó chú trọng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Hà Nam đang từng bước phục hồi. Với mục tiêu phát triển du lịch văn hóa không phải là phong trào mà đi vào thực chất, tỉnh Hà Nam tăng cường các nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Huyện Kim Bảng là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đa dạng, nổi bật là hệ thống hang động Ngũ Động Sơn, núi Ngọc, chùa Bà Đanh, đền thờ bà Lê Chân và Di tích lịch sử văn hóa núi Cấm, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc… Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã chú trọng công tác quy hoạch, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng của Kim Bảng như: Du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái - thể thao, du lịch làng nghề, trong đó lấy Khu du lịch Tam Chúc làm trung tâm.

Ngoài ra, huyện cũng đầu tư các điểm du lịch làng nghề và các phòng trưng bày sản phẩm, như: Làng gốm Quyết Thành (thị trấn Quế); dệt thổ cẩm ở Đồng Hóa; khuyến khích sản xuất các mặt hàng lưu niệm để phục vụ khách du lịch. Các dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được hình thành và phát triển, trong đó có dịch vụ ăn uống, ẩm thực đặc trưng của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng Phạm Ngọc Tùng cho biết, huyện tập trung phát triển các điểm du lịch, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch địa phương bằng nhiều hình thức, hoạt động, như xây dựng các cổng thông tin điện tử, pa-nô, biển quảng cáo...

Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển du lịch văn hóa bền vững, sau gần 2 năm “đóng băng” bởi đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam triển khai nhiều giải pháp phục hồi và khởi động lại các hoạt động du lịch văn hóa, trong đó chú trọng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Cùng với đó, Hà Nam tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch đi đôi với bảo tồn và phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch có chiều sâu. Tỉnh đẩy mạnh liên kết với các tỉnh bạn trong việc hình thành các tour, tuyến du lịch; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch.

Theo ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam: Trong năm 2022, Trung tâm đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Hà Nam qua các chương trình Famtrip tại Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng… Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức thành công Cuộc thi “ảnh đẹp du lịch Hà Nam” thu hút nhiều nhiếp ảnh gia trong nước tham gia; phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức các sự kiện liên kết vùng, quảng bá sản phẩm địa phương với các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Lạng Sơn… Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì hoạt động Cổng Thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam và website du lịch Hà Nam và công bố trên các poster dọc các tuyến đường chính để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nam, trong năm 2022 ngành Du lịch tỉnh đón trên 3,1 triệu lượt khách, trong đó có hơn 3 triệu khách nội địa và 142.100 khách quốc quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt gần 2.152 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch năm 2022 và tăng 131% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đã khẳng định sự đầu tư và phát triển đúng hướng các tiềm năng du lịch văn hóa của tỉnh Hà Nam trong những năm gần đây.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Nguyễn Văn Trọng, khẳng định việc xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh được thực hiện bài bản, có kế hoạch theo từng giai đoạn cụ thể, quy mô lớn. Trong thời gian tới, du lịch Hà Nam sẽ tiếp tục bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.

Đại Nghĩa

Xem thêm