Hà Nam kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Chiều 27/11, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2024.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quốc phòng địa phương năm 2025. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tập trung nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân, cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân năm 2025 bảo đảm công khai, dân chủ, đúng luật; tổ chức tốt việc đón nhận, tư vấn hướng nghiệp cho bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án của UBND tỉnh về công tác quốc phòng địa phương giai đoạn 2021 - 2025, nhất là Đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện. Lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt phong trào Thi đua quyết thắng gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội.
UBND tỉnh Hà Nam đề ra phương hướng công tác quốc phòng địa phương năm 2025 là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cả hệ thống chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng toàn dân; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đồng thời, tỉnh xây dựng lực lượng vũ trang có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng tin cậy của Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, không để bị động, bất ngờ. Tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Năm 2024, công tác quốc phòng địa phương của Hà Nam đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ và hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ. Trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt như: Công tác sẵn sàng chiến đấu; công tác huấn luyện, diễn tập; tham gia các hội thi, hội thao do cấp trên tổ chức; công tác tuyển quân; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; công tác Đảng - công tác chính trị, chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội… Chức năng quản lý Nhà nước về quốc phòng được tăng cường, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Qua đó, góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác quốc phòng địa phương năm 2024 của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên cơ sở, ngành, địa phương chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, nguồn dự bị động viên của một số địa phương chưa chặt chẽ…/.