Các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu nước để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 258 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và đá viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra được hơn 50% cơ sở, xử lý nhiều cơ sở vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất uy tín được đầu tư nhà xưởng, máy móc theo tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại xưởng sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là khu nhà xưởng chưa bảo đảm vệ sinh; thiếu thiết bị, phương tiện rửa và khử trùng; sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp với quy chuẩn; tem nhãn của sản phẩm không đúng quy định…
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông tin, dây chuyền sản xuất đá dùng liền phải tuân thủ đúng quy định, bảo đảm quy trình một chiều, phân khu rõ ràng. Người trực tiếp sản xuất phải trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh bàn tay. Cơ sở sản xuất không nên dùng tái đi tái lại bình và vòi nhiều lần. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất cần ưu tiên, quan tâm lựa chọn nguồn nước đầu vào và tuân thủ việc kiểm nghiệm định kỳ chất lượng nguồn nước bảo đảm trước khi đưa vào sản xuất.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt và đình chỉ hoạt động trong 2 tháng đối với 6 công ty sản xuất nước uống tinh khiết, nước uống đóng chai và 1 công ty sản xuất đá dùng liền, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước uống tinh khiết Praha (số 1 ngách 231/17, đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và thương mại tổng hợp Đức Trung (thôn Cam 2, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Đầu tư thương mại Tuấn Tú (số 52, ngõ 83, xóm Án, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì); Công ty cổ phần Nước tinh khiết Hapro (xóm 9, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Tuấn Nguyễn (đường Đào Duy Tùng, Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trọng Thái (số 149 tổ 4, đường Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).
Thanh tra Sở Y tế thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính trên 37 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Kim Cương (số 3, ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa); đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất nước đá dùng liền 2 tháng, kể từ ngày 18/7/2024 và buộc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với phòng y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm giám sát, thẩm định thường xuyên việc thực hiện quy định của các cơ sở sản xuất, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến quy định, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền; điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất cơ bản được tập huấn, thực hành tốt về quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn; được khám sức khỏe định kỳ. Cơ sở được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu nước để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ công bố công khai để cảnh báo người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tránh sử dụng những sản phẩm không nhãn mác, không rõ xuất xứ, đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.../.