Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất với pháp luật khác có liên quan
TTXVN - Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 3/2/2023 của Thành Ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, UBND thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và lộ trình thực hiện; phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Theo đó, đến năm 2025, thành phố yêu cầu tuyên truyền sâu rộng, thiết thực Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chương trình hành động số 22-CTr/TU trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thành chất lượng quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, cơ chế chính sách về tài chính về đất đai; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai; tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất.
Đặc biệt, quy hoạch, phân bổ chỉ tiêu đất đai phải đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistic trên cơ sở định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa để hoàn thành đưa vào hoạt động 43 cụm công nghiệp đang triển khai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát bảo vệ môi trường…
Thành phố yêu cầu thực hiện hiệu quả Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - Vùng Thủ đô nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; các Quy hoạch phân khu đô thị về tinh còn lại chưa phê duyệt; Quy hoạch khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; Quy hoạch xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ...
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất với pháp luật khác có liên quan phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Nghiên cứu đề xuất Trung ương chấp thuận các cơ chế đặc thù trong quy hoạch, thu hồi đất vùng phụ cận các tuyến đường giao thông, tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án thương mại, dịch vụ, nhà ở đồng bộ, hiện đại, tạo các điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc, quy hoạch.
Thành phố hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai hiện đại, công khai minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, chuyển đổi mô hình Văn phòng đăng ký đất đai sang cơ chế tự chủ tài chính, phục vụ theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Hà Nội tiếp tục chuyển đổi số, hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai của thành phố và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, trong đó có dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đến năm 2045, Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên đất nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sử dụng đất đai của từng khu vực, vùng huyện, lĩnh vực sử dụng đất đảm bảo tính liên kết, phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Cùng với đó, thành phố phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ ít phát thải trong thu hút các dự án có sử dụng đất. Thành phố tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất./.