Thành công lớn nhất trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật.
TTXVN - Ngày 29/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân đã thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật Thủ đô thực sự có những bước chuyển mình quan trọng. Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch nguồn là "Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc" với sự đan xen, hòa quyện giữa kết thừa truyền thống và sự thích ứng linh hoạt với yếu tố đương đại.
Đội ngũ văn nghệ sỹ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Các phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, thu hút đông đảo văn nghệ sỹ, tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Chất lượng đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật được nâng lên.
Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo là cùng với việc xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn nhiều bất cập như: Việc cấp phép còn để xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động nghệ thuật, nguồn kịch bản cho các nhà hát còn thiếu. Không gian phát triển văn học, nghệ thuật chưa được quy hoạch phù hợp, hệ thống nhà hát xuống cấp hoặc quy mô diện tích, không gian nhỏ, công nghệ lạc lậu. Một bộ phận văn nghệ sỹ có nơi, có lúc còn có biểu hiện tiêu cực, dao động, thiếu niềm tin, động lực sáng tạo và cống hiến…
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành công lớn nhất trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật. Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập và phát triển, nhận thức sâu sắc hơn phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật không những là nền tảng tinh thần của xã hội, mang lại những giá trị nhân văn cao đẹp góp phần làm tâm hồn mỗi con người phong phú hơn, nhân văn hơn, mà văn hóa còn góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, nhanh chóng, bền vững.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung trở thành trung tâm, đầu tàu của khu vực Đồng bằng sông Hồng, cả nước và hội nhập quốc tế, cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể. Đó là, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung cần được tiếp tục củng cố sâu sắc và mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các nghị quyết, chuyên đề của Thành ủy Hà Nội.
Các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sỹ Thủ đô phải nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đồng thời góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.
Các cấp, ngành, cơ quan văn hóa tham mưu cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính, để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới nữa là công nghiệp văn hóa như thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sỹ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm; thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội.
Dịp này diễn ra Triển lãm thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X)./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- phát triển
- văn học
- nghệ thuật
- thời kỳ mới