Những nội dung thu hoạch tại hội nghị là những yêu cầu cơ bản, cần thiết, trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn, quản lý công tác văn học, nghệ thuật; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái...
TTXVN - Ngày 22/8, tại thành phố Ninh Bình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới".
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy phụ trách văn hóa, văn nghệ; cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ; lãnh đạo các Hội Văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, phóng viên các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản; giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo về văn học, nghệ thuật ở khu vực phía Bắc và 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Thực tiễn văn học, nghệ thuật nước nhà trong 15 năm qua diễn ra sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực. Nhiều khó khăn đối với văn học, nghệ thuật đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị, hoạt động văn học, nghệ thuật vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, có mặt yếu kém.
Hội nghị nhằm giúp học viên củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước; kết quả, bài học và những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW; nắm bắt đầy đủ, sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay; về thực trạng, yêu cầu đổi mới hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam... Trên cơ sở đó trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm xử lý một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Những nội dung thu hoạch tại hội nghị là những yêu cầu cơ bản, cần thiết, trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn, quản lý công tác văn học, nghệ thuật; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong văn học, nghệ thuật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Hội nghị tập trung vào 6 chuyên đề gồm: Xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới; từ nhân vật trung tâm trong văn học hiện nay đến vấn đề trung tâm của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới; lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp đạo đức cách mạng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay; công nghiệp hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp hóa; công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn xác định phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội phải kết hợp chặt chẽ và tương xứng với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê; có 466 di sản văn hóa phi vật thể gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống...
Các loại hình nghệ thuật truyền thống được đẩy mạnh, trở thành hoạt động văn hóa, văn nghệ, môn học yêu thích của các em học sinh trên địa bàn tỉnh như hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn... Hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; đã có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của nhân dân, giới thiệu, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên, bề dày truyền thống văn hóa tốt đẹp, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới bạn bè trong và ngoài nước. Tỉnh muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, được đón nhận ngày càng nhiều tác phẩm viết về vùng đất, con người Ninh Bình, để tỉnh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, mến khách./.
- Từ khóa:
- Ninh Bình
- quản lý
- văn học
- nghệ thuật