Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành chức năng cần phân tích kỹ các lực lượng lao động để tham mưu, cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Ngày 8/7, UBND tỉnh Hải Dương đã họp cho ý kiến; nghe đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 2 triệu người dân, trong đó, có gần 1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 32,5%. Hải Dương có trên 19.300 doanh nghiệp đăng ký và gần 8.700 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 375.000 lao động. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, Hải Dương cần thêm khoảng 1 vạn lao động/năm.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương Bùi Quốc Trình cho biết, toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: 8 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương Lương Văn Việt cho biết, hiện có khoảng 13% số học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp. Nhiều gia đình còn có tâm lý bằng cấp nên không muốn cho con em học nghề. Cùng đó, việc đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các trường, trung tâm đào tạo còn thiếu giảng viên, hạn chế cơ sở vật chất, nhất là máy móc trang thiết bị đào tạo nghề.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thẳng thắn chỉ rõ, hiện số lao động phổ thông và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn vẫn cao (chiếm 76,8% số lao động) nhưng thiếu lao động có tay nghề, trình độ cao. Việc đào tạo nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hải Dương sẽ có 32 khu công nghiệp và 61 cụm công nghiệp, tập trung thu hút các ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế tạo, điện tử... đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao. “Nếu không có cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo, Hải Dương sẽ thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao, thậm chí phải nhập khẩu lao động từ nơi khác”, ông Lưu Văn Bản nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Lưu Văn Bản khẳng định cần có sự vào cuộc của: người lao động, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành chức năng cần phân tích kỹ các lực lượng lao động để tham mưu, cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu, phân luồng học sinh để đảm bảo học sinh học nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương cần đánh giá lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất để hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo học sinh. Các cơ quan chức năng chủ động rà soát lại cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương để tham mưu Nghị quyết hỗ trợ cho người học nghề ở 2 nhóm là lao động có tay nghề và lao động thường xuyên; tham mưu cơ chế, chính sách để thu hút, đào tạo chất lượng cao cho lực lượng bộ đội, công an sau khi xuất ngũ.
Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhanh chóng tiếp cận nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tham mưu kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị các sở, ngành đánh giá lại hệ thống cơ sở vật chất, quá trình đào tạo, tuyển sinh, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Hải Dương để xem xét hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động có tay nghề chất lượng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao các Sở Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về dân số, cung cấp thông tin về lao động, việc làm, dạy nghề, thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp… trên địa bàn.
Tại phiên họp, đại diện các trường nêu nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho học sinh. Một số doanh nghiệp cũng nêu tình trạng khó khăn vì thiếu lao động cũng như việc tuyển dụng lao động có tay nghề; nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất để học sinh, người lao động đến thực tập và hỗ trợ kinh phí về đào tạo.../.