Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 2 tuyến cáp biển khác đang gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ internet Việt Nam đi quốc tế.
Sau khi cáp quang biển AAE-1 khôi phục hoàn toàn dung lượng, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 2 tuyến cáp biển khác đang gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ internet Việt Nam đi quốc tế. Về lịch sửa chữa, hiện đối tác quốc tế chưa thông báo lịch khắc phục sự cố của tuyến IA tới các ISP tại Việt Nam. Với các lỗi trên tuyến cáp biển APG, dự kiến sự cố trên nhánh S8 sẽ được khắc phục từ ngày 6/1 đến ngày 10/1; sự cố trên nhánh S1.9 hiện vẫn chưa có thời gian khắc phục. Thông tin trên được đại diện nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết ngày 3/1.
Trước đó, sáng 31/12/2024, việc cấu hình lại nguồn sau sửa chữa nhánh S1H5 của tuyến cáp quang biển AAE1 đã hoàn thành. Kết nối internet quốc tế Việt Nam đi Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore trên tuyến đã khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn hai tuyến cáp biển hiện đang gặp sự cố là APG và IA. Trong đó, cáp biển APG bị lỗi trên 2 nhánh gồm: Nhánh S1.9 kết nối internet Việt Nam vào Malaysia và nhánh S8 kết nối với Thái Lan. Đồng thời, cáp biển IA gặp sự cố ngày 26/12/2024 trên nhánh S1 giữa phân đoạn từ Việt Nam đi Singapore, hiện đang mất toàn bộ dung lượng kết nối internet Việt Nam với Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore.
Mỗi khi cáp quang gặp sự cố, tốc độ internet Việt Nam kết nối với quốc tế đều bị giảm dung lượng, tốc độ truyền tải, gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động. Điểm yếu về kết nối cáp quang biển quốc tế của Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức rõ. Do đó, trong Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam ban hành tháng 6/20224, mục tiêu bổ sung thêm các tuyến cáp quang mới được đặt lên hàng đầu.
Cụ thể, Chiến lược chỉ rõ: Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (digital hub). Việt Nam phát triển hệ thống cáp quang quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế, đảm bảo an toàn cho mạng lưới internet, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh. Các doanh nghiệp nhà nước tiên phong triển khai cáp quang quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng để nhanh chóng phát triển đột phá hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam. Chiến lược đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến.
Thêm vào đó, Chiến lược hạ tầng số Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2024 xác định, một trong những định hướng lớn là đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu. Theo đó, trong năm 2025, Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác, đồng thời dự kiến bổ sung tối thiểu 8 tuyến cáp biển vào năm 2030.
Các mục tiêu nêu trên của Chiến lược phát triển hạ tầng số Việt Nam hướng tới bảo đảm tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn, đồng thời tăng cường năng lực băng thông kết nối quốc tế./.