Hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp là mục tiêu được đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lực lượng Công an cũng như chính quyền các địa phương.
TTXVN - Cuối tháng 4/2023 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp cho 100% người dân có đủ điều kiện. Đây là dấu mốc, thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực của các lực lượng chức năng với nhiều cách làm hay, hiệu quả.
* Thống nhất về nhận thức và hành động quyết liệt
Hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp là mục tiêu được đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lực lượng Công an cũng như chính quyền các địa phương.
Hành trình thực hiện chiến dịch này thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, có nhiều trường hợp ốm đau, già yếu,... hay người dân đi làm ăn xa không làm được căn cước. Ngoài ra, không phải người dân nào cũng hiểu, ủng hộ, thậm chí có những trường hợp còn chống đối. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì vận động, tuyên truyền, đặc biệt là giúp người dân hiểu được tiện ích của việc có tấm thẻ căn cước công dân gắn chip, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng chức năng đã giúp Hà Nam trở thành tỉnh đầu tiên về đích sớm nhất cả nước.
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ, là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân có đủ điều kiện thì vai trò và dấu ấn của lãnh đạo tỉnh, các cấp và sự hỗ trợ giúp đỡ của người dân rất đậm nét. Trước hết là sự thống nhất về nhận thức và hành động quyết liệt của người đứng đầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đến lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh.
Để có được thành công này, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân; chỉ đạo lực lượng công an huyện, xã tập trung phương tiện, thiết bị có sẵn, bảo đảm tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao.
"Đó là thành quả của những ngày làm việc xuyên đêm với 200% sức lực. Nhiều cán bộ chiến sĩ có con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn song vẫn quyết tâm thu xếp công việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ" - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Cũng phải kể tới vai trò quan trọng của lực lượng Công an xã đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào số công dân vắng mặt tại địa phương chưa làm căn cước công dân. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao, cán bộ, chiến sĩ tại xã đã đến từng nhà, rà từng thôn thu thập tin tức.
Thượng úy Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Công an xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm - địa phương đầu tiên về đích chỉ tiêu này của Hà Nam cho biết, đến tháng 4/2022, công dân trên địa bàn xã cơ bản đã thực hiện chuyển đổi sang căn cước công dân gắn chíp. Tuy nhiên, còn khoảng 20% công dân chưa chuyển đổi với nhiều lý do như không có mặt tại địa phương hoặc sai thông tin.
"Càng về cuối càng khó khăn hơn bởi còn sót lại những trường hợp đặc biệt. Tôi nhớ nhất một trường hợp cụ bà trên 80 tuổi, do cụ không còn được tỉnh táo nên rất nhiều lần chúng tôi đến vận động nhưng cụ kiên quyết không làm, thậm chí còn chống đối. Cuối cùng, chúng tôi phải phối hợp với gia đình, đóng giả thành cán bộ y tế đến thăm khám mới làm được căn cước công dân cho cụ. Hoàn thành ở Liêm Phong, chúng tôi lại cử cán bộ đi các xã khác để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ chung" - vị Trưởng Công an xã nhớ lại.
Với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, lực lượng Công an đã huy động cả hệ thống chính trị cùng phối hợp, rà soát cụ thể các trường hợp nói trên.
Với trường hợp công dân sinh sống tại địa bàn và các tỉnh, thành gần, lực lượng Công an đã gọi điện đặt lịch cụ thể, cử tổ công tác về tận nơi phục vụ chuyển đổi. Còn với trường hợp ốm đau, già yếu, tổ công tác đến tận nhà hỗ trợ bà con.
Thông qua các mối quan hệ gia đình, bạn bè, người thân, các hội, nhóm trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, hội đồng hương của bà con xa quê đang làm ăn, sinh sống tại các tỉnh, chủ động liên hệ, thông báo số định danh cho công dân, hướng dẫn công dân kiểm tra thông tin cá nhân, phối hợp làm sạch thông tin công dân trên hệ thống; tuyên truyền, vận động công dân đi làm căn cước công dân tại nơi đăng ký tạm trú, nơi đang sinh sống, thường trú...
* Tỏa đi các tỉnh, thành để cấp căn cước cho người dân xa quê
Một trong những giải pháp tiên phong của Hà Nam trong thời gian qua là việc thành lập 11 tổ công tác lưu động với 45 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm tinh thần, trách nhiệm cao đi đến mọi miền Tổ quốc, thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho người dân Hà Nam đi làm xa quê.
Chỉ trong ba ngày đầu tiên (từ 6-8/4/2023), các tổ công tác Công an tỉnh Hà Nam đã thu nhận hơn một nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Các tổ công tác đã tỏa đi các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Sơn La, Lai Châu.. Những người dân Hà Nam đi làm ăn xa nhà đều là những người không có điều kiện về thời gian hoặc kinh phí về làm căn cước công dân tại trụ sở Công an huyện. Những chuyến đi xa, dài ngày và nhiều vất vả đó đã góp phần hoàn thành sớm nhất việc cấp căn cước công dân gắn chíp.
Trong chiến dịch này, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Công an huyện Kim Bảng đã làm đơn tình nguyện xin vào tổ công tác lưu động của Công an huyện đi vào các tỉnh phía nam. Nhớ lại chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm đặc biệt, Trung úy Tuấn Anh kể có những ngày đi 4, 5 chục cây số mới tìm ra được công dân già yếu, bệnh tật, tai nạn không có khả năng đi lại. Những trường hợp như vậy, tổ công tác phải tranh thủ đi làm đêm, sau đó nhanh chóng quay lại địa điểm lưu động để sáng hôm sau phục vụ bà con.
"Có những trường hợp khi chúng tôi tìm tới, bà con lo lắng không biết Công an đến tìm làm gì. Tuy nhiên, sau khi nói rõ lý do, bà con rất vui, phấn khởi, còn cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Công an rất nhiều" - Trung úy Tuấn Anh kể.
Ngoài ra, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, vận động quần chúng nhân dân hiểu lợi ích và tích cực phối hợp công tác; Công an các huyện, thị xã, thành phố củng cố hệ thống tàng thư hộ khẩu, bổ sung thông tin kịp thời, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đến ngày 22/4/2023, Công an Hà Nam gồm 6 đơn vị Công an cấp huyện và 109 đơn vị Công an cấp xã đã hoàn thành 754.277 hồ sơ, đạt 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắp chíp cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cấp đổi, cấp lại và cấp mới căn cước công dân cho công dân đến độ tuổi, số chấp hành xong án phạt tù, số đi nước ngoài trở về; đồng thời đẩy mạnh việc thu nhận, kích hoạt định danh điện tử cho công dân trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đúng thời gian quy định. Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý cư trú; làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”./.
- Từ khóa:
- căn cước công dân