Văn hóa

Hành trình tìm kiếm, bảo tồn giá trị ẩm thực bản địa Việt

TP. Hồ Chí Minh

Ẩm thực truyền thống Việt Nam cân đối hài hòa các nhóm thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng với gia vị.

Bánh phu thê - một loại bánh truyền thống tại các lễ cưới hỏi của người dân phương Nam. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

TTXVN - Ngày 12/4, tại tọa đàm "Ẩm thực truyền thống an và lành" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, tính truyền thống, bản địa trong ẩm thực không đóng khung mà biến đổi theo thời gian và những giá trị tinh hoa được nghiên cứu, bảo tồn. Ẩm thực truyền thống Việt Nam cân đối hài hòa các nhóm thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, gia vị được cấu trúc trong một món ăn bản địa.

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, thực phẩm "truyền thống" hay "gia truyền" bị lợi dụng khá nhiều trên thị trường trong thời gian qua. Điển hình, có những thương hiệu "truyền thống" hay "gia truyền" nhưng chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và giá trị nghiên cứu, bảo tồn trong nền ẩm thực, văn hóa dân tộc. Ẩm thực truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi tính đặc trưng của các món ăn nên khó phát triển quy mô công nghiệp hóa. Do đó, để phát triển ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch thì cần biến những món ăn đó thành tài nguyên bản địa, đặc sản chỉ có tại điểm đến địa phương. Những món ăn phát triển theo quy mô công nghiệp hóa, bán công nghiệp hóa cũng có thể làm mất đi giá trị truyền thống, khó bảo tồn được hương vị. Khi nói về ẩm thực truyền thống thì cần nhìn về quá khứ và tránh thêm thắt những thông tin, chi tiết làm mất giá trị vốn có của ẩm thực Việt.

Chuyên gia Bùi Thị Sương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt cho rằng, quốc gia nào cũng có ẩm thực truyền thống; mỗi người dân, địa phương cần có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy yếu tố bản địa. Tuy nhiên, có không ít món ăn và ẩm thực truyền thống được một bộ phận, nhất là giới trẻ đổi mới sáng tạo theo lối sống hiện đại, đáp ứng xu hướng thị trường hiện nay nên dần mất yếu tố bản địa. Chính vì vậy, những món ăn hay ẩm thực truyền thống có tính "hàn lâm", gia truyền cần được nghiên cứu, bảo tồn đúng giá trị để góp phần tôn vinh những tinh hoa đặc sắc trong nền ẩm thực, văn hóa của người Việt, cũng như giới thiệu đến công chúng và du khách quốc tế. Nói về ẩm thực truyền thống Việt thì chủ yếu tập trung ở miền Bắc, nhiều hơn những vùng, miền khác trên cả nước. Bên cạnh đó, món ăn miền Bắc mang tính theo mùa, được bảo quản, chế biến, thưởng thức... khá tinh tế và đặc sắc ngay từ cách thức trình bày, giới thiệu món ăn...

Bánh phu thê - đặc sản của vùng quê Bắc Ninh. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Thống kê từ đầu tháng 4/2023 đến nay, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công nhận thêm 9 Kỷ lục châu Á cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử, đánh dấu cột mốc 50 Kỷ lục châu Á trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam, theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực châu Á". Cụ thể, 9 món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam chính thức được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt giá trị Kỷ lục Ẩm thực – Đặc sản châu Á gồm: Các loại bánh dân gian Cần Thơ, thành phố Cần Thơ; các món ăn từ Khóm (Hậu Giang); Xôi chiên phồng (Đồng Nai); Bánh Phu Thê Đình Bảng (Bắc Ninh); Thanh Long (Bình Thuận); Nước mắm Con Cá Vàng Phan Thiết (Bình Thuận); Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); Atiso Lâm Đồng (Lâm Đồng); Cơm tấm Long Xuyên (An Giang). Dự kiến, bằng Kỷ lục châu Á sẽ được trao tặng đến các địa phương vào dịp Hội ngộ diễn ra vào tháng 6/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại diện VietKings, hành trình tìm kiếm và quảng bá giá trị đặc biệt của Việt Nam nhất là những giá trị ẩm thực, đặc sản đã được đơn vị triển khai thực hiện từ 2012 đến nay. Với 63 tỉnh, thành, ẩm thực và đặc sản Việt Nam ở mỗi vùng, miền lại mang những nét riêng biệt về khẩu vị, nguồn nguyên liệu, cách sử dụng và kết hợp gia vị… Tất cả điều này tạo nên sức hấp dẫn của ẩm thực và đặc sản Việt Nam từ sự tổng hòa của đa dạng giá trị tinh túy, độc đáo. Hành trình tìm kiếm và quảng bá những giá trị đặc biệt của Việt Nam ra thế giới vẫn được VietKings tiếp tục triển khai, thông qua việc hợp tác truyền thông với các Tổ chức Kỷ lục quốc tế mà VietKings là thành viên, nhằm tiếp tục quảng bá những tinh hoa đó./.

Mỹ Phương

Xem thêm