Thực thi chính sách

HĐND thành phố Đà Nẵng chất vấn về thiếu giáo viên, trường lớp xuống cấp

Đà Nẵng

Các đại biểu HĐND thành phố chất vấn nhiều vấn đề nóng về các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; y tế; phát triển kinh tế - xã hội...

Kỳ họp thứ X, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

(TTXVN) Ngày 14/12, Kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã diễn ra phiên thảo luận và phiên chất vấn. Nhiều vấn đề xã hội “nóng” trong các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; y tế; phát triển kinh tế - xã hội… đã được các đại biểu HĐND thành phố chất vấn.

* Nhiều giáo viên nghỉ việc, trường học xuống cấp

Chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận, đại biểu Nguyễn Đình Khánh Vân (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Đà Nẵng) cho biết, việc triển khai đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Đà Nẵng” gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là sỹ số học sinh/lớp vượt quy định, thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên của Đà Nẵng không đủ số lượng theo yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Hiện nay, thành phố xuất hiện tình trạng hàng loạt cán bộ, giáo viên xin nghỉ việc, thôi việc, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc.

Còn đại biểu Nguyễn Thành Tiến (Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đà Nẵng) cho biết, hệ thống nhà vệ sinh các trường học bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều học sinh không dám đi vệ sinh ở trường. Đồng thời, hệ thống bàn ghế học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn đã quá cũ, không còn phù hợp với học sinh; có tình trạng học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 1, học sinh lớp 9 ngồi cùng loại bàn với lớp 6…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận tiếp thu ý kiến của đại biểu, cho biết sẽ kiểm tra, rà soát và kiến nghị đầu tư bàn ghế, cơ sở vật chất, thiết bị vệ sinh cho các trường học. Về tuyển dụng giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại, biên chế tại các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố là đảm bảo. Sở sẽ phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện rà soát, cân bằng lượng giáo viên để đảm bảo các trường dạy đúng quy định.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành giáo dục trước hết phải sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; cân đối giáo viên ở các địa phương, các trường học để tham mưu với các địa phương bố trí cho phù hợp. Đồng thời, ngành chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố trong việc đề xuất thành phố tăng thêm nguồn vốn trung hạn cho các công trình trường học phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, đề án đầu tư cho ngành giáo dục của thành phố giai đoạn 2020-2025 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, hiện mới chỉ bố trí được gần 2.000 tỷ đồng.

* Các vấn đề xã hội được quan tâm

Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho biết, năm 2022, Sở Y tế đã tiếp nhận 102 gói thầu mua sắm bổ sung vật tư y tế với hơn 4.500 mặt hàng, trị giá 900 tỷ đồng; đến nay đã phê duyệt 37 gói thầu ở cấp Sở Y tế, 4 gói thầu ở cấp UBND thành phố và chuyển 61 gói thầu về các đơn vị mua sắm. Mặc dù đã tích cực triển khai các hoạt động trong mua sắm vật tư y tế, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, nhưng tình trạng thiếu vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố, chủ yếu xảy ra với các vật tư y tế đặc thù tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Mắt…

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đại biểu Vũ Quang Hùng (quận Hải Châu) đánh giá, nhiều lĩnh vực đã có sự khởi sắc, một số ngành kinh tế phục hồi nhanh và có mức tăng bứt phá trong quý III/2022, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thành phố chưa đồng đều, một số ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, chưa thể phục hồi như dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất... Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác đền bù giải tỏa, chậm cả về tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn được giao.

Đại biểu Vũ Quang Hùng đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quan trọng có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố như Dự án đường DT601, Dự án Trục 1 Tây Bắc; tập trung chỉ đạo nghiên cứu giải pháp đảm bảo đời sống người dân đối với các vùng đã công bố hủy bỏ quy hoạch, trong đó có dự án ga đường sắt. Đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các Đề án phát triển du lịch đã ban hành; tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế./.

Quốc Dũng

Xem thêm