Khoa học

Hiện thực hóa mục tiêu giám định danh tính hài cốt liệt sĩ trên quy mô lớn

Việc vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế trong điều kiện thực tế tại Việt Nam không chỉ khẳng định tính khả thi của công nghệ mới, mà còn giúp việc giám định danh tính hài cốt liệt sĩ trên quy mô lớn.

Dự án “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao” do Viện Sinh học chủ trì đã được phê duyệt theo Quyết định số 557/QĐ-VHL vào ngày 29/3/2024 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án, chiều 24/7, tại Hà Nội, Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) đã tổ chức cuộc họp định kỳ 6 tháng (lần thứ 3) nhằm cập nhật tiến độ các công việc liên quan tới cơ quan chủ quản cùng các ban, ngành liên quan.

Quang cảnh cuộc họp. 
Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Sinh học nhấn mạnh, dự án được khởi xướng với mục tiêu cao cả là nâng cao năng lực giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ từ thời kỳ chiến tranh, qua đó góp phần giải quyết những vấn đề hậu quả chiến tranh và mang lại niềm tin, sự động viên cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ. Sự phát triển của dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước, mà còn thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế và trách nhiệm nhân đạo sâu sắc. Dự án không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn mang giá trị nhân văn và đạo lý, thể hiện sự tri ân đối với lịch sử dân tộc và trách nhiệm đối với các gia đình vẫn đang mong mỏi thông tin về người thân đã mất.

Với vai trò là đối tác hỗ trợ kỹ thuật chủ chốt, Ủy ban Quốc tế về Người mất tích đã tích cực chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ Việt Nam, cũng như hỗ trợ vận hành phòng thí nghiệm và thiết lập hệ thống giám định theo các tiêu chuẩn quốc tế. Sự hỗ trợ toàn diện của Ủy ban Quốc tế về Người mất tích, từ việc cung cấp kiến thức chuyên môn cho đến xây dựng quy trình chuẩn đã giúp các chuyên gia Việt Nam nâng cao trình độ, làm chủ các kỹ thuật tiên tiến và tự tin áp dụng công nghệ mới vào thực tiễn. Những chương trình đào tạo, hội thảo khoa học do Ủy ban Quốc tế về Người mất tích phối hợp tổ chức trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành đội ngũ chuyên gia giám định hài cốt có năng lực cao, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai công nghệ mới theo chuẩn mực quốc tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà cho biết, về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với tư cách là cơ quan chủ trì dự án, có trách nhiệm đề ra định hướng chiến lược, điều phối và quản lý toàn diện các hoạt động của dự án. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện các kế hoạch, bảo đảm mọi công việc diễn ra đúng tiến độ và mục tiêu. Đồng thời, Viện Hàn lâm cũng giữ vai trò đầu mối kết nối với các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng các cơ quan hữu quan khác để huy động tối đa sự hỗ trợ và phối hợp liên ngành cho dự án. Chính sự vào cuộc và phối hợp nhịp nhàng từ cấp Viện Hàn lâm đến các bộ, ngành đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp dự án vượt qua nhiều khó khăn thách thức ban đầu.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, đến nay dự án đã đạt được những kết quả nổi bật, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình triển khai như: Hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) cùng phần mềm phân tích dữ liệu đã được lắp đặt đồng bộ và đưa vào vận hành tại Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Sinh học. Sự hoàn thiện này bảo đảm phòng thí nghiệm có đầy đủ năng lực kỹ thuật hiện đại để xử lý các mẫu hài cốt liệt sĩ theo quy trình mới.

Trong thời gian qua, có nhiều khóa đào tạo chuyên sâu đã được tổ chức thành công với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và trong nước. Những khóa đào tạo này đã nâng cao đáng kể năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham gia dự án, sẵn sàng cho giai đoạn giám định quy mô lớn.

Tất cả các mẫu thu được sau khi được mã hóa tiến hành làm sạch, đáng giá, chấm điểm hình thái mẫu và tiền hành tách chiết. Trong ảnh: Giám định viên Viện Sinh học kiểm tra mẫu tại phòng lưu mẫu. 
Ảnh: Quyết Chiến.

Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi dự án bắt đầu, đội ngũ giám định đã triển khai công tác thu thập mẫu sinh phẩm hài cốt tại thực địa. Đội ngũ chuyên môn của dự án đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), thu được 58 mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tiến hành giám định ADN và cũng là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa dự án với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Thời gian qua, dự án đã bắt đầu ứng dụng trực tiếp công nghệ và quy trình được chuyển giao vào phân tích và giám định các mẫu hài cốt thu thập từ thực địa nói trên; tiến hành xử lý, giải trình tự ADN các mẫu hài cốt từ Trà Lĩnh theo quy trình NGS-SNP tiên tiến. Việc vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế trong điều kiện thực tế tại Việt Nam không chỉ khẳng định tính khả thi của công nghệ mới, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu giám định danh tính hài cốt liệt sĩ trên quy mô lớn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận về các nội dung: lựa chọn mẫu giám định, thu thập mẫu thân nhân, chiến lược khớp nối dữ liệu; đánh giá cao kết quả đạt được tại sự kiện bàn giao thiết bị, vật tư, hóa chất và quy trình xét nghiệm ADN vừa diễn ra, mở ra chương mới đầy hy vọng trong việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, ghi dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác nhân đạo và khoa học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ./.

Quyết Chiến

Tin liên quan

Xem thêm