Khoa học

Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản

TP. Hồ Chí Minh

Ngày 18/7, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh), Cộng đồng Khởi nghiệp sáng tạo Ecotech - Techfest Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đồng tổ chức hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Quang cảnh hội thảo. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Hội thảo tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia và các dự án khởi nghiệp công nghệ cao, các bên liên quan cùng đồng hành trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự gia tăng nhận thức về trách nhiệm xã hội, việc minh bạch thông tin sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm mà còn nâng cao uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường. Việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản giúp doanh nghiệp xây dựng một hệ thống thông tin chính xác, nhanh chóng và đáng tin cậy.

Bối cảnh hiện nay, yêu cầu về phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) cũng đã trở thành yếu tố then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thực hành ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị bền vững, thu hút đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là nền tảng vững chắc để ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu, tạo ra một nền kinh tế phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm nông sản. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Góc độ chuyên môn về giải pháp công nghệ, ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đề xuất 6 nhóm giải pháp doanh nghiệp có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi số: Thu thập, phân tích dữ liệu (để đưa ra đề xuất điều chỉnh phù hợp); cung cấp thông tin và hỗ trợ kết nối người bán/người mua; tự động hóa trong sản xuất; bán hàng đa kênh; quản lý thông tin lưu kho (để đưa ra các đề xuất điều chỉnh nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, hư hỏng); truy xuất nguồn gốc.

Trong số đó, hai giải pháp quan trọng góp phần mang lại giá trị kinh tế và nâng cao năng suất mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là truy xuất nguồn gốc, bán hàng đa kênh. Ông Phạm Văn Quân nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ trong việc đảm bảo tính minh bạch và uy tín cho sản phẩm. Việc ứng dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2025, sản phẩm, hàng hóa được phân thành 3 loại, dựa trên mức độ rủi ro: sản phẩm hàng hóa có mức độ rủi ro thấp; sản phẩm hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình; sản phẩm hàng hóa có mức độ rủi ro cao. Tiêu chí đánh giá rủi ro gồm: Mức độ tác động đến sức khỏe, môi trường, khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và cảnh báo từ tổ chức quốc tế.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm nông sản. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Một trong những chính sách của Nhà nước liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa được đề cập đến trong Luật này là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ số để minh bạch thông tin về xuất xứ, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm.

Trong đó, đối với sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và do Bộ, cơ quan ngang Bộ xác định, có lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp năng lực của doanh nghiệp, đặc thù phát triển của từng ngành hàng.

Theo các đại biểu, thực tế, nhận thức về truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt nhưng vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tại hội thảo, các chuyên gia thông tin đến doanh nghiệp chính sách và định hướng quan trọng của Nhà nước như: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ.

Trong khuôn khổ hội thảo còn có triển lãm với 20 gian hàng trưng bày sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm ứng dụng công nghệ, thiết bị, giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường, dệt may... Đây là cơ hội giao thương giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư, giao lưu trực tiếp với chuyên gia, nhà khoa học./.

Lý Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm