Môi trường

Hiệu quả sử dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng

Lâm Đồng

Thiết bị bay flycam chỉ cần bay từ 10 phút đến nửa tiếng là có thể bao quát toàn bộ hàng chục ha rừng cần tuần tra; thuận lợi hơn trong phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm rừng, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy rừng.

TTXVN - Trước năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng bắt đầu sử dụng thiết bị bay không người lái có gắn camera điều khiển từ xa (flycam) vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng sau khi được tài trợ một thiết bị này kèm trong một dự án. Nhận thấy hiệu quả của việc sử dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng, năm 2020 UBND tỉnh Lâm Đồng có Đề án 1836 về đầu tư mua sắm flycam cấp phát cho lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị quản lý rừng và chủ rừng, nhờ đó góp phần quản lý tốt hơn diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng công nghệ để phòng chống cháy rừng
Ảnh: K Gửi H/TTXVN

Theo thông tin từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2023 lực lượng Kiểm lâm tỉnh chỉ có 250 công chức, thiếu 28 công chức so với biên chế được giao. Toàn tỉnh có 13 ban quản lý rừng và 1 ban quản lý khu du lịch được giao 417 biên chế viên chức, nhưng còn thiếu 59 chỉ tiêu đang chờ tuyển dụng. Tỉnh có 8 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp, hiện có 256 viên chức và hợp đồng lao động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng... Trong khi đó, các lực lượng này phải quản lý gần 538.000 ha rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ việc thiếu nhân lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, nhất là với thiết bị flycam rất cần thiết.

Qua 4 năm triển khai Đề án 1836 (Đề án Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030), các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nhận thấy việc sử dụng flycam, máy định vị GPS trong các hoạt động về lâm nghiệp phát huy được hiệu quả khi sử dụng theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên diện rộng, ở các địa hình hiểm trở, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận, tiết kiệm được thời gian, sức lao động cho công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Thiết bị bay flycam, chỉ cần bay từ 10 phút đến nửa tiếng là đã có thể bao quát toàn bộ diện tích hàng chục ha rừng cần tuần tra; đồng thời giúp đơn vị thuận lợi hơn trong phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm rừng, các biến động rừng và hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trước đây lực lượng bảo vệ rừng thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ xuyên rừng. Có những địa bàn phải đi mất nhiều ngày đêm, lực lượng bảo vệ phải tổ chức ăn ngủ trong rừng vì địa hình xa xôi, hiểm trở. Từ khi được trang bị flycam, lực lượng bảo vệ rừng có thể sử dụng thiết bị này để tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn.

Từ Đề án 1836, năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đã mua 15 máy flycam cấp cho 9 Hạt kiểm lâm; 2 Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng Phòng cháy chữa cháy rừng, 4 đơn vị chủ rừng. Sau 3 năm thực hiện, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng rất hiệu quả. Kết quả năm 2023, tổng số vụ vi phạm giảm 66 vụ, tổng diện tích rừng bị thiệt hại giảm 40% so với năm 2022.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 537.727 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm gần 55% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, diện tích đất có rừng là 537.969 ha với 454.674 ha rừng tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2023 đạt 54,37%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 334.000 người, phần lớn sống và sản xuất nông nghiệp gần rừng và đan xen trong rừng. Đặc biệt có khoảng 30.000 hộ dân nông thôn đang được hưởng lợi trực tiếp từ kinh tế rừng thông qua các chính sách giao khoán bảo vệ rừng, khoán trồng rừng như Chương trình 30a, 135, chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023- 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất mua sắm máy móc, thiết bị, trong đó có máy flycam, máy định vị, phần mềm chuyên ngành cấp cho 12 hạt Kiểm lâm huyện, thành phố và Chi cục Kiểm lâm để ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách hiệu quả, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp trong năm 2025. Kinh phí đề xuất cho hoạt động này là 6,776 tỷ đồng..../.

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Xem thêm