Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ, cập nhật thông tin về rủi ro trong hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
TTXVN - Ngày 13/4, tại thành phố Huế, Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế phối hợp Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo tập huấn "Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung".
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ, cập nhật thông tin về rủi ro trong hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường, sức khỏe cộng đồng; đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế đang áp dụng tại Việt Nam và tiếp cận nguồn tài chính khởi nghiệp, triển khai các giải pháp thay thế thuốc bảo vệ thực vật và đốt ngoài trời.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, việc đốt rơm rạ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo hướng dẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và kinh tế. Hội thảo tập huấn góp phần nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng có ý nghĩa lớn. Thông qua hoạt động này giúp các em có nhận thức đúng đắn để lan tỏa ra cộng đồng, cũng như hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp liên quan đến việc tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để đưa ra những sản phẩm thân thiện môi trướng, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp kinh tế tuần hoàn.
Em Nguyễn Thị Kiều My, lớp 10 chuyên Toán, Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học Huế cho biết, qua lớp tập huấn học sinh, sinh viên hiểu hơn về mặt lợi và hại của thuốc bảo vệ thực vật. Điều quan trọng nhất là phải sử dụng đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng kỹ thuật. Chúng em sẽ tích cực lan tỏa những kiến thức bảo vệ môi trường ra cộng đồng thông qua mạng xã hội; xây dựng các kênh cá nhân; tổ chức các buổi ngoại khóa để gặp và trao đổi với người nông dân.
Sinh viên Lê Văn Linh, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, Việt Nam là nước nằm trong top đầu về sản xuất lúa gạo nên lượng rơm rạ phát thải ra môi trường rất lớn. Trong khi rơm rạ chưa được ứng dụng rộng rãi để sản xuất phân bón hay các sản phẩm khác, người dân chủ yếu đốt hở ngoài đồng ruộng, gây ảnh hưởng môi trường không khí và sức khoẻ con người. Em mong muốn các cơ quan, ban ngành quan tâm hỗ trợ tổ chức các nhóm dự án nghiên cứu để phát triển các sản phẩm từ rơm rạ, nhằm phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên Minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) với sự tài trợ của Bộ Môi trường, thực phẩm và nông nghiệp Vương Quốc Anh (DEFRA). Dự án đã phần nào giúp giải quyết các vấn đề rủi ro về sức khỏe và môi trường do hoạt động đốt rơm rạ và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp tại Việt Nam./.