Đến nay, qua hơn 10 năm, cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai là nơi sinh sống của 127 hộ, với gần 500 nhân khẩu là người Bahnar.
(TTXVN) Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 44,7%, chủ yếu là dân tộc Bahnar và J’rai. Do phong tục, tập quán còn lạc hậu, nhận thức còn nhiều hạn chế nên đời sống của người dân còn khó khăn. Trước thực trạng đó, năm 2011, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 449/KH-MT về việc triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Đến nay, qua hơn 10 năm, cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai là nơi sinh sống của 127 hộ, với gần 500 nhân khẩu là người Bahnar.
Trước năm 2011, cuộc sống của người dân trong làng vô cùng khó khăn, vất vả. Đa số các hộ dân đều là hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào một vụ lúa. Từ khi cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai, đời sống người dân nơi đây đã thay đổi tích cực.
Ông Blưk, già làng Roh cho biết, thực hiện cuộc vận động, các cán bộ huyện, xã đã về tận làng, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" cho bà con trong việc canh tác lúa, cải tạo vườn tạp trồng rau, trồng cây ngô lai, sắn cao sản, làm chuồng nuôi bò... Nhờ sự tuyên truyền, vận động thường xuyên, bà con dân làng đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biết trồng lúa hai vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.“
Trước đây, ai muốn đi làm thì đi, ai không đi làm ở nhà uống rượu. Bây giờ không như thế nữa, bà con thi đua làm với nhau. Bây giờ, nhà nào cũng có cơm ăn, áo mặc. Kinh tế ngày càng phát triển. Dân làng ngày càng đoàn kết chặt chẽ. Ai ai cũng phấn khởi. Từ việc đa số hộ dân trong làng thuộc diện hộ nghèo, bây giờ, làng chỉ còn khoảng 20 hộ nghèo thôi”, già làng Blưk vui vẻ nói.
Đối với gia đình chị Huach (làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), cuộc vận động không những giúp gia đình chị thoát nghèo mà kinh tế ổn định hơn. Trước kia, chưa có kiến thức làm nông nghiệp, gia đình chị luôn khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, được các cán bộ địa phương tuyên truyền về thay đổi cách thức sản xuất, chị Huach quyết định mua hai con dê giống. Nhờ chịu khó học hỏi, chị đã biết cách chăm sóc dê, đàn dê khỏe mạnh, sinh sản đều, mỗi năm có thêm 2 - 3 dê con.
Dành dụm từ tiền bán dê, chị đã mua được 2 con bò, 5 sào đất trồng cà phê và đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết, qua 10 năm triển khai, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện, nhất là hộ dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ của đồng bào, giúp họ từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã cụ thể hóa, lồng ghép việc triển khai cuộc vận động thông qua chương trình hành động hàng năm, qua các phong trào, cuộc vận động do tổ chức hội phát động. Đặc biệt trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” vào cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “3 trong 1”.
Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”…
Qua hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 400 mô hình trên tất cả các lĩnh vực cho gần 6.500 hộ dân tộc thiếu số tham gia, nhân rộng cho gần 12.000 hộ khác cùng thực hiện; tổ chức gần 4.500 đợt tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động cho hơn 337.000 lượt người tham dự… Qua đó, 29.528 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo.
Qua khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai, từ việc nhận thức còn nhiều hạn chế. Đến nay, 74,8% người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh siêng năng lao động, sản xuất, sắp xếp lao động trong gia đình hợp lý, phát huy lợi thế của đất đai và chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, thu nhập cao. 73,4% hộ thực hiện tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Ngoài ra, 69,7% người dân tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế, khi đau, ốm, sinh đẻ, biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế; 66,3% người bỏ các hủ tục lạc hậu. 64,6% người biết sắp xếp nhà cửa gọn gàng, vệ sinh vườn tược, chuồng trại.
Đặc biệt, 88,6% người dân biết được những chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động với mục tiêu 100% hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; ít nhất 80% trong tổng số hộ dân tộc thiểu số nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền giảm tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo toàn tỉnh xuống còn 5% vào cuối năm 2025”, bà Phạm Thị Lan nhấn mạnh./.