Tỉnh Lào Cai đã công khai thông tin các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các trang web, cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
TTXVN - Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2023, tỉnh Lào Cai triển khai 11 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Tỉnh huy động nguồn vốn trong và ngoài địa bàn để mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp,… bảo đảm tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện có nhu cầu về vốn đều được vay vốn ngân hàng.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai cũng tích hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm sản, thủy sản, dược liệu. Cụ thể, hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở chế biến nông sản); hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở bảo quản nông sản); hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, không quá 1 tỷ đồng/1 cơ sở (đối với cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ); hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ);…
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết thêm, hiện nay tỉnh còn xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nâng cao năng lực công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ phát triển tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và đo lường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tỉnh xây dựng cơ chế về hỗ trợ thông tin khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận một cách có hiệu quả nguồn thông tin sáng chế phục vụ nhu cầu sản xuất và đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng có sẵn, mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của pháp luật.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, ngành công thương tỉnh Lào Cai cũng hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chợ công nghệ thiết bị, sàn giao dịch công nghệ trong nước, hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình sản xuất kinh doanh, quy trình quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì sản phẩm.
Tỉnh cũng đề xuất hình thành các Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về chuyển giao công nghệ, sản xuất chế biến sản phẩm nghề truyền thống và các đặc sản địa phương; khởi sự kinh doanh, phát triến thương hiệu sản phẩm, thành lập Mô hình “Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp” tỉnh Lào Cai; xây dựng cơ sở dữ liệu về ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã công khai thông tin các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các trang web, cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong số đó chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ biến, xây dựng, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tọa đàm/đối thoại, bồi dưỡng kiến thức, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, giải pháp hữu ích nhằm tăng kỹ năng thương mại điện tử và phát triển tư duy số hóa thành công thông qua chương trình “Đồng lòng, cùng tiến”.
Tỉnh Lào Cai đưa ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, khoảng 40-50% hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tỉnh phấn đấu mỗi năm có trên 200 hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn, tư vấn, kết nối các giải pháp chuyển đổi số, trải nghiêm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp...
Cũng theo ông Hoàng Chí Hiền, để triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện và được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tích cực vào cuộc. Qua đó đã góp phần làm môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo và giám sát thường xuyên; các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã mang tại tác động tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển thương mại biên giới, tỉnh Lào Cai còn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Theo đó, hàng năm tỉnh Lào Cai đều phối hợp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản, thủy hải sản để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc; qua đó góp phần phát huy vai trò cầu nối của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và thị trường Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc)./.