Văn hóa

Hòa nhịp văn hóa Thăng Long và xứ Đoài: * Bài cuối: Kết tinh, lan tỏa văn hóa Hà Nội

Hà Nội

Để làm phong phú và lan tỏa các giá trị cốt lõi, ngành Văn hóa Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực triển khai trong đời sống nhân dân, bồi đắp thêm các giá trị nhân văn của văn hóa Hà Nội.

Di sản Hà Nội là nguồn tại nguyên du lịch hấp dẫn. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN - Hà Nội với giá trị cốt lõi là văn hóa Thăng Long nhưng luôn rộng mở, có sự tiếp nhận, tiếp biến của văn hóa bốn phương. Sự đa dạng của các luồng văn hóa không làm biến dạng văn hóa chủ đạo đã được định hình từ hàng ngàn năm qua. Hơn một thập kỷ Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long cùng hòa nhịp với văn hóa xứ Đoài, vừa giữ được bản sắc, vừa kết tinh, lan tỏa những giá trị mới, làm giàu cho văn hóa Thủ đô.

 Bồi đắp thêm giá trị nhân văn

Văn hóa Thăng Long được kiến tạo và lưu truyền qua hàng ngàn năm, bắt đầu từ khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, văn hóa Thăng Long được khơi dòng, bồi đắp, tạo mạch nguồn tiếp nối đến ngày hôm nay. Khi văn hóa xứ Đoài hòa cùng một nhịp với văn hóa Thăng Long, cả hai đều được bồi đắp thêm những giá trị mới, phát triển hài hòa. Để làm phong phú và lan tỏa các giá trị cốt lõi, ngành Văn hóa Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực triển khai trong đời sống nhân dân, bồi đắp thêm các giá trị nhân văn của văn hóa Hà Nội.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn được thành phố chú trọng nhằm góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô. Đó là việc xây dựng, triển khai các bộ Quy tắc ứng xử để từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp ứng xử và trong ứng xử với môi trường xã hội xung quanh. Cùng với đó là xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, làng, tổ dân phố; phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp...

Xã Đức Thượng được biết đến là địa phương đi đầu huyện Hoài Đức trong phong trào Gìn giữ thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp an toàn. Người dân nơi đây luôn ý thức chỉnh trang từ trong nhà ra đến ngõ, xóm; cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, người dân đã tổ chức vẽ 280 bức tranh bích họa, sơn trắng 4.898 m2 tường, trồng mới 1.165 chậu hoa, 151 cây cảnh và cây xanh, trang bị 1.518 thùng rác có nắp đậy... Lãnh đạo xã Đức Thượng cho biết, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm, người dân ở cả 8 thôn trên địa bàn đã chung tay cùng các hội, đoàn thể thực hiện tổng vệ sinh môi trường, trồng hoa, trang trí cổng, cửa, điện thắp sáng, chỉnh trang ngõ, xóm… Qua đó, nhiều sáng kiến, việc làm đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Ngày 3/8/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã ra mắt mô hình điểm “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở phường Vạn Phúc. Mô hình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ quận Hà Đông trong công tác tuyên truyền, vận động người dân và du khách thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với nếp sống văn minh trong quản lý di tích, biến hành động trở thành thói quen, thành nếp sống của mỗi người dân, du khách khi đến đến tham quan.

Từ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các phong trào văn hóa đã đi vào đời sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, dần hình thành nếp văn hóa mới trong xã hội, kế thừa từ truyền thống của người Hà Nội và ngày càng được phát huy phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Phát triển theo dòng chảy thời đại

Di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại". Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô. Do đó, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; coi đó là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được những thành tự nổi bật, toàn diện, đáng khích lệ về văn hóa. Thành phố đã chuyển mình, văn minh, hiện đại và đẹp hơn trong niềm tự hào của nhân dân cả nước và sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, sự gắn kết và động lực phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; vẫn còn những khu di tích bị lãng quên, chưa đầu tư bài bản, không thu hút được du khách, để tạo ra giá trị kinh tế cao.

Vì vậy, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ban hành và đi vào đời sống đã tạo bước chuyển mạnh mẽ, phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Nhấn mạnh thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới để phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: “Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới”.

Nghị quyết đã và đang tạo bước phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Trải dài trên nhiều không gian: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hàng Buồm, Bảo tàng Hà Nội…, các chương trình văn hóa, nghệ thuật và triển lãm đã tạo nên “bữa tiệc nghệ thuật” hoành tráng nhất từ trước đến nay. Nhiều di sản của xứ Đoài, cụ thể là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đang phát huy vai trò như một nguồn lực của công nghiệp văn hóa, thu hút khách du lịch. Vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” với mạch nguồn là văn hóa xứ Đoài là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, những di tích: Hoàng Thành Thăng Long, chùa Hương, chùa Tây Phương, đền thờ Hai Bà Trưng… đều là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cũng trở thành điểm nhấn trong khai thác, phát huy nguồn lực di sản vào phát triển. Trung bình mỗi dịp cuối tuần, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng 10.000 lượt khách du lịch. Qua đó cho hiệu quả kinh tế cao, vừa có đóng góp cho ngân sách, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Du khách tham quan Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Đặc biệt, dấu ấn lớn của du lịch Thủ đô trong năm qua là việc liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022". Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Trang công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.

15 năm chưa phải là dài nhưng với gì đã khẳng định trong thời gian qua, mọi người đều nhận thấy, văn hóa xứ Đoài không bị phai nhạt khi hòa nhập cùng văn hóa Thăng Long. Trái lại, vùng văn hóa này càng thêm giàu có và văn hóa Thăng Long càng thêm đa dạng. Sự hòa nhập đã tạo nên những nguồn lực văn hóa to lớn, tạo động lực cho sự phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay./. (Hết)


Mạnh Khánh - Nguyễn Thắng - Đinh Thuận

Tin liên quan

Xem thêm