Năm 2025, các đơn vị lĩnh vực địa chất và khoáng sản cần tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai có hiệu quả Đề án sáp nhập tổ chức bộ máy của 2 cục theo quy định; tập trung triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản...
Năm 2024, các đơn vị lĩnh vực địa chất và khoáng sản đã nỗ lực hoàn thiện xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nhằm giải quyết các vướng mắc về chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, góp phần khơi thông nguồn lực tài nguyên khoáng sản đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 2/1, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị, năm 2025, các đơn vị lĩnh vực địa chất và khoáng sản cần tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai có hiệu quả Đề án sáp nhập tổ chức bộ máy của 2 cục theo quy định; tập trung triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản; chủ động giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản...
Đồng thời, các đơn vị thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép hoạt động đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản. Rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập hồ sơ trình Bộ phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác.
Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Mỹ Dũng, năm 2024, hai cục đã triển khai 7 đề án/dự án Chính phủ đúng kế hoạch tiến độ, trong đó nổi bật là Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế, xã hội”; Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”…
Tính đến ngày 19/12, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ ký ban hành 3 giấy phép thăm dò khoáng sản; 1 quyết định điều chỉnh giấp phép thăm dò khoáng sản; 19 giấy phép khai thác khoáng sản; 3 quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; 2 quyết định cho phép tiếp tục khai thác khoáng sản; 10 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 4 quyết định điều chỉnh, gia hạn đóng cửa mỏ; 12 quyết định đóng cửa mỏ.
Hiện, 2 cục đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp hướng dẫn thi hành Luật để trình Chính phủ và Bộ ban hành trong năm 2025.
Về khoa học công nghệ, các đơn vị triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường địa chất. Đặc biệt, Cục Địa chất Việt Nam đã công bố công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh (Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam kèm theo bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Công trình này không chỉ có giá trị to lớn đối với ngành Địa chất, Khoáng sản Việt Nam mà còn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ với các chương trình khoa học địa chất quốc tế.
Định hướng công tác quản lý khoáng sản thời gian tới, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng nhấn mạnh, năm 2025, các đơn vị lĩnh vực địa chất và khoáng sản tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam vào thực hiện các nhiệm vụ của Cục; tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm tìm hiểu, chuyển giao công nghệ trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản về khoáng sản nhóm IV trình tự thủ tục rút gọn báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/1/2025. Song song đó, 2 cục xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản cũng như kế hoạch thực hiện xây dựng và trình các cấp ban hành./.
- Từ khóa:
- chính sách
- khơi thông nguồn lực
- khoáng sản