Chính phủ hành động

Hoàn thiện quy định về xác định vị trí việc làm đồng bộ với tinh giản biên chế

Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ báo cáo tình hình cải cách thủ tục hành chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Đến nay, 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là thông tin về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 10 tháng năm 2023, được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, bước đầu, các bộ, ngành đã chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các quy định về xác định vị trí việc làm của công chức và người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. Việc xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế đã giúp các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Nghị quyết nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung về: thẩm quyền giao, quản lý biên chế, rà soát, tổng hợp, báo cáo, đề xuất chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27/NQTW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, thay thế Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg; trong đó quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, làm rõ loại hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phối hợp liên ngành.

Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng năm của giai đoạn này, bảo đảm phù hợp với thực tiễn; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 616/CĐ-TTg về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 và Công điện số 972/CĐ-TTg về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Tại địa phương, trên cơ sở các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao, xác định rõ lộ trình và đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm