Giáo dục

Học sinh Bắc Ninh hào hứng với giờ học lịch sử online trên nền tảng số

Bắc Ninh

Các bài giảng về lịch sử online đã từng bước được số hóa, tạo sự tương tác cao, giúp học sinh có môi trường học tập hấp dẫn.

Bắc Ninh - Kinh Bắc được biết đến là điểm sáng trong cả nước với chất lượng giáo dục luôn đứng vị trí tốp đầu toàn quốc. Để có kết quả đó, ngoài việc đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, tỉnh chủ động ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp, cải thiện quy trình dạy và học. Đặc biệt, các bài giảng về lịch sử online đã từng bước được số hóa, tạo sự tương tác cao, giúp học sinh có môi trường học tập hấp dẫn, giúp khả năng tiếp thu bài giảng tốt hơn, kích thích khả năng sáng tạo và vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi cá nhân.

* Giờ học đặc biệt

Mỗi khi đến giờ học lịch sử online, cả cô và trò đều cảm thấy rất hứng khởi bởi cô được trau dồi, rèn luyện kiến thức, có thêm các kỹ năng ngoài sư phạm còn trò được thoải mái trải nghiệm du lịch trên màn ảnh nhỏ. Cô Nguyễn Thị Thu Giang, giáo viên Trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Để chuẩn bị cho tiết học lịch sử này, cô đã được tham gia buổi tập huấn của ngành Giáo dục để có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa giáo viên nhà trường và cán bộ giới thiệu tại các di tích. Qua đó, giúp cho học sinh có tiết học hiệu quả nhất.

Giờ học lịch sử online của học sinh trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh. 
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Trực tiếp tham dự tiết học lịch sử online với chủ đề “Chùa Dâu”, trong chương trình giáo dục địa phương lớp 2 (năm học 2023-2024) được kết nối từ di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) mới thấy được hiệu quả từ phương pháp giáo dục mới này. Sau phần khởi động với làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh cùng bài Vào chùa, các em học sinh hào hứng tham gia trò chơi kể tên các di tích, đền chùa ở địa phương do giáo viên hướng dẫn. Mặc dù có những địa điểm các em đã được đi hay chỉ xem qua truyền hình hoặc qua lời kể của bố mẹ nhưng không khí học tập trên lớp rất sôi nổi. Các em học sinh được thoải mái chia sẻ hiểu biết của mình về các di tích, sau đó các em được nghe thuyết minh giới thiệu và tương tác trực tuyến, trực tiếp xem hình ảnh, quan sát các hiện vật, không gian, các hạng mục công trình tại Chùa Dâu thông qua cán bộ di tích.

Em Vũ Phương Mai, lớp 2A5, Trường Tiểu học Tiền An chia sẻ: Tiết học hôm nay là một tiết học đặc biệt với em, bởi em vừa được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn trên lớp, vừa được tham gia trực tuyến, xem và nghe giới thiệu của cán bộ Trung tâm bảo tồn Di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh dẫn trực tiếp tại Chùa Dâu. Mỗi khi chú cán bộ di tích tỉnh đi đến đâu, màn hình camera lại hướng về hướng đó, chú giới thiệu chân thực di tích đó. Vì vậy, thay vì phải đến trực tiếp tham quan, qua tiết học online, các em có thể trải nghiệm thực tế ngay từ lớp học.

“Ngồi trong lớp học mà cháu như được trực tiếp đi du lịch, được ngắm tháp Hòa Phong, tượng phật, qua lời giới thiệu của chú hướng dẫn viên. Vừa học, vừa xem tiếp cháu thấy rất vui, nhanh nhớ kiến thức. Cháu mong muốn có thêm nhiều tiết học như vậy để có thể biết thêm nhiều di tích trong tỉnh”, Vũ Phương Mai nói.

Cùng với em Vũ Phương Mai, em Nguyễn Bảo Hân, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đào Viên, thị xã Quế Võ cho biết: Sau khi học xong tiết “Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý” dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các cô, chú hướng dẫn viên em thấy rất lý thú. Đặc biệt, khi muốn được giới thiệu kỹ hơn các hạng mục, em có thể trực tiếp nhờ và có sự phối hợp của các cô chú. Qua đây, giúp các cháu có thể khắc sâu kiến thức, có sự trải nghiệm tốt giúp học tập tốt những bài học về lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc. Cùng với đó, bồi dưỡng thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh.

Cô Lưu Thị Kim Anh, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh cho biết: Để triển khai các giờ học lịch sử online, nhà trường đã bố trí hệ thống đường truyền và tivi tới các phòng học. Những tiết học lịch sử online rất gần gũi, truyền tải lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ và có tính tương tác cao giúp học sinh hào hứng, phấn khởi hơn với môn học này. Với giáo viên, dù đã có giáo trình riêng được Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn nhưng khi được cán bộ chuyên môn di tích giới thiệu sẽ biết thêm cách diễn đạt mới để truyền tải cho học sinh. Nhà trường mong muốn phương pháp học lịch sử mới này sẽ được triển khai nhiều hơn trong các năm học tới.

Không chỉ giáo viên, học sinh hào hứng với giờ học này mà còn giúp cán bộ hướng dẫn di tích rèn luyện sự chỉn chu, chu đáo trong chọn lọc kiến thức và cách thể hiện. Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng: Khi dẫn trực tiếp qua màn ảnh nhỏ và đối tượng là các bạn học sinh nên mình lại phải linh hoạt hơn, chắt lọc kiến thức để giúp các em có thể dễ nhớ nhất về di tích mà mình giới thiệu. Đây là một chương trình rất hay, giúp các bạn ngồi ở lớp vẫn có thể đến được di tích và hiểu được giá trị di tích. Bản thân những người làm công tác bảo tồn di tích cũng rất vui vì giá trị di sản quê hương đến gần với công chúng.

* Đẩy mạnh chuyển đổi số Giáo dục

Thực hiện Chương trình phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh và với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ngành đã triển khai điểm chương trình giờ học lịch sử online từ tiết dạy Giáo dục địa phương (theo chương trình sách giáo khoa mới). Qua hai năm triển khai, chương trình với những kiến thức bổ ích, trải nghiệm lý thú được đông đảo giáo viên và học sinh đón nhận.

Học sinh trường Tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh hào hứng phát biểu trong giờ học lịch sử online. 
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục này, Sở đã triển khai điểm mô hình tại các trường học, cấp học, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng đến các trường, ở các cấp học trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 tiết học lịch sử online được tổ chức ở cả ba cấp học với độ bao phủ và quy mô tăng dần. Thay vì kết nối trực tuyến một chiều chỉ nghe và nhìn, đến nay học sinh đã có thể tương tác với hướng dẫn viên tại điểm cầu để trao đổi thêm về những điều mình quan tâm. Ở mỗi giờ học đó, ngành Giáo dục ghi lại hình ảnh thành tài liệu học tập để phát cho học sinh nghiên cứu ở những buổi học sau.

Đánh giá về hiệu quả của giờ học lịch sử online, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: Với sự hào hứng tham gia của học sinh, có thể thấy mô hình giờ học lịch sử online đã phát huy hiệu quả, tính tích cực, chủ động của các em trong lĩnh hội tri thức. Rõ ràng các em vẫn có niềm đam mê với lịch sử và đòi hỏi thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với thế hệ trẻ đang lớn lên trong môi trường số hóa. Từ đó góp phần bồi đắp, giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. 

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có đánh giá, tổng kết mô hình giờ học lịch sử online nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình. Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh Bắc Ninh tự tin bước vào thời đại số. 

Nằm trong chương trình giáo dục địa phương, giờ học lịch sử online là một sáng kiến của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đổi mới phương thức dạy và học môn lịch sử. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Bắc Ninh- vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời, giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020”... Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động số hóa, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện số hóa, sử dụng văn bản, sổ điểm, học bạ điện tử... thay thế văn bản giấy. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, hội họp, tập huấn được thực hiện thường xuyên trên môi trường mạng; triển khai thí điểm thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt, dự kiến triển khai đồng loạt từ năm học 2024-2025; cấp chữ ký số tập trung cho 100% giáo viên.

Đặc biệt, cổng thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục được liên thông, duy trì thường xuyên, hình thành các kho học liệu số, học liệu mở dùng chung đáp ứng nhu cầu tự học, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; hướng dẫn việc sử dụng thiết bị dạy học số thay thế thiết bị dạy học thông thường, vừa tiết kiệm chi phí lại tăng tính hấp dẫn của bài học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn…/.

Phùng Thị Thanh Thương

Xem thêm