Với 98 năm tuổi đời, 79 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, bà Nguyễn Thị Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Cuốn hồi ký tái hiện cuộc đời và những dấu son trong sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao xuất sắc, một nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến nhiều biến thiên của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Thời gian trong hồi ký trải dài từ thời thơ ấu đến khi bà Nguyễn Thị Bình tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi bà đã nghỉ hưu. Theo thông tin từ nhà xuất bản, từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, sâu lắng, nhưng đã toát lên được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, tấm lòng vì nước, vì dân, tạo nên sức nặng trong từng câu, chữ.
Với 98 năm tuổi đời, 79 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, bà Nguyễn Thị Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927, quê gốc tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà hoạt động cách mạng sôi nổi, tích cực và nhiều lần bị địch bắt, tù đày. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, bà được Ban Thống nhất cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận và đổi tên từ Yến Sa (bí danh được bà sử dụng từ năm 1948) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc tên của bà hơn.
Từ đây, thế giới biết đến nữ chính trị gia Nguyễn Thị Bình với cương vị Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris.
Ngày 27/01/1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, 45 cuộc họp cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973). Trong quá trình đàm phán đó, cả thế giới đều rất ngưỡng mộ và khâm phục ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình./.