An sinh

Hồi sinh màu xanh trên vùng đất ô nhiễm bom, mìn

Quảng Trị

Vùng đất Hải Thái, huyện Gio Linh vốn bị ô nhiễm bom, mìn nay đã hồi sinh với bạt ngàn rừng cao su xanh, rừng tràm tươi tốt.

Sau 50 năm chiến tranh, vùng đất Hải Thái, huyện Gio Linh (nay là xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị) vốn bị ô nhiễm bom, mìn nay đã hồi sinh với bạt ngàn rừng cao su xanh, rừng tràm tươi tốt. Người dân nơi đây đã có cuộc sống ấm no.

* Ám ảnh bom, mìn sau chiến tranh

Con đường nhựa dẫn vào các thôn của xã Hải Thái (cũ) hai bên là cánh rừng cao su xanh tốt chạy dài. Song, để có màu xanh hôm nay, mỗi nhát cuốc khai hoang của người dân trên vùng đất đạn bom này đã phải đổi bằng máu và nước mắt.

Con đường thẳng tắp chạy giữa rừng cao su dẫn vào các thôn của xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị. 
Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Theo người dân địa phương, khoảng 50 năm về trước, vùng đất Hải Thái (cũ) được nhắc đến với những cái tên đầy ám ảnh, sợ hãi như: Xóm tử thần, xóm góa bụa bởi là điểm nóng nhất về bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Giờ đây, những cái tên ấy đã phai dần theo thời gian, song những ám ảnh kinh hoàng do bom mìn thời hậu chiến vẫn còn nguyên trong tâm trí người sống sót.

Một trong những nhân chứng sống là ông Nguyễn Diễn (67 tuổi, xã Cồn Tiên) khi 2 lần suýt chết do tai nạn bom mìn, cơ thể không còn lành lặn. Theo ông Diễn, khoảng 50 năm về trước, bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong vườn cây, đồi trọc, cánh đồng hoặc sâu trong những cánh rừng rậm rạp.

Ông Diễn nhớ lại, năm 1977, ông là một trong những thanh niên xung phong lên vùng đất Hải Thái (cũ) làm nhiệm vụ tìm kiếm bom, mìn sót lại sau chiến tranh để làm sạch đất. Trong một lần làm nhiệm vụ, khi chiếc xẻng công binh vừa cắm xuống đất và nghe một tiếng “cạch”, bên dưới là quả mìn M14 chỉ bé bằng chiếc nắp bi đông bộ đội, song tiếng nổ khô khiến cháy da bỏng thịt. Sau tiếng nổ, bàn tay phải của ông co rút lại vì mất nhiều mảnh xương, mắt trái mờ đục và ông mất hoàn toàn thị lực.

“Chưa dừng lại ở đó, năm 1982, trong một lần đi canh tác nông nghiệp, tôi lại dẫm phải mìn khiến chân phải của tôi cũng mất luôn sau vụ nổ. Kể từ đó, tôi khó nhọc với chiếc chân giả và không còn sức để lao động. Mãi sau này khi có các chương trình của dự án MAG và Renew rà phá bom, mìn thì vùng đất Hải Thái (cũ) mới sạch được bom, mìn”, ông Diễn chia sẻ thêm.

Cũng ám ảnh khi nhắc lại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, ông Phan Tấn Hoàng (xã Cồn Tiên) cho biết, ông từng có hàng chục năm làm nghề tìm kiếm, thu mua phế liệu từ các vật liệu nổ. Nay đã “giải nghệ”, song trong ký ức của ông vẫn còn nguyên vẹn những ngày tháng xách máy rà đi theo cha tìm kiếm phế liệu, tháo gỡ bom, mìn để lấy kim loại, thuốc nổ. Mãi sau này, gia đình ông mới đi khai hoang trồng rừng. Kể lại với giọng vẫn run run, ông Hoàng cho biết, một tiếng bom nổ không chỉ là một mạng người ra đi, nhiều khi có 4 - 5 người thiệt mạng cùng lúc.

Nhiều năm trở lại đây, thay vì thu mua phế liệu, bom, mìn, ông Hoàng sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Hiện, ngôi nhà của ông cất giữ bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật chiến tranh; trong đó chủ yếu là vỏ bom, mìn... Với ông Hoàng, mỗi quả bom, mảnh đạn đều chứa đựng ký ức đau thương một thời của dân Quảng Trị (cũ) nói chung và người Hải Thái (cũ) nói riêng. Từ đó, ông muốn lưu giữ và trưng bày để mọi người, đặc biệt là các thế hệ sau hiểu hơn về nỗi đau mà thế hệ trước đã trải qua.

* Để vùng đất "chết" hồi sinh

Đến xã Cồn Tiên (xã Hải Thái cũ) hôm nay, màu xanh của rừng trồng, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả trong vườn nhà, vườn đồi đã bao phủ đất đồi cằn cỗi. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ hiện đại lấp đầy những ngọn đồi trọc, hoang hóa năm xưa.

Để không còn tiếng bom, mìn, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang lặng thầm cống hiến cho quê hương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về tác hại của bom, mìn sau chiến tranh, các phương án xử lý đã được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.

Những hàng cao su thẳng tắp mọc lên trên mảnh đất xã Cồn Tiên (Quảng Trị), từng dày đặc bom mìn sót lại sau chiến tranh. 
Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Nguyễn Thái Hoàng (thôn 6, xã Cồn Tiên) phấn khởi cho biết, 50 năm trước, ông và nhiều hộ dân khác đến đây chỉ thấy đồi hoang, cây dại tranh tre, quang cảnh hoang sơ; đặc biệt bom, mìn lúc đó dày đặc. Giờ đây, đất nước đã phát triển, kinh tế gia đình khá hơn. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các tổ chức quốc tế luôn nỗ lực trong hành trình đưa Quảng Trị trở thành địa phương an toàn với bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.

Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), hàng chục năm qua đã có hơn 39.300ha đất trong tổng số gần 62.000ha đất bị ô nhiễm bởi bom, mìn ở Quảng Trị được làm sạch. Cùng với đó, gần 837 nghìn bom, mìn, vật liệu nổ được xử lý. Nhiều năm gần đây, số vụ tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đã tiến đến ngưỡng gần bằng không.

Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) cho biết, giờ đây trên những vùng đất bị bom đạn cày xới đã khác xưa. Đời sống của người dân khá lên nhờ phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Những cánh rừng trơ trụi cành cây vì bom đạn và chất độc da cam năm xưa, vùng đất được ví là “túi bom” đã xanh một màu xanh mới. Những căn cứ quân sự gieo chết chóc nay đã là những khu dân cư sầm uất, cánh đồng thẳng cánh cò bay, những khu vực sản xuất công nghiệp hiện đại./.

Võ Tá Chuyên

Xem thêm