Đây là dịp để nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt - người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc; là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lĩnh vực sân khấu.
Ngày 15/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân".
Tham dự hội thảo có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, diễn viên.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thanh Đạt nhấn mạnh, Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đây không chỉ là dịp để nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt - người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, mà còn là cơ hội để cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cụ thể là trong lĩnh vực sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ưu bà Phạm Thị Trân là người được xem là bà tổ của nghệ thuật Chèo, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc. Bà không chỉ là bà tổ dầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, mà còn là người phụ nữ đầu tiên được phong chức quan trong lịch sử dân tộc. Bà đã để lại một di sản văn hóa vô cùng quý báu, ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật sân khấu nước nhà. Qua các tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian, ngay từ buổi đầu, nghệ thuật sân khấu Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thông qua các phường hát, mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị, quân sự, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân đội. Ưu bà Phạm Thị Trân là người đã tổ chức đội quân sân khấu biểu diễn phục vụ trong quân ngũ từ thời nhà Đinh, điều đó cho thấy tầm vóc và vai trò đặc biệt của nghệ thuật sân khấu Việt Nam ngay từ buổi bình minh của quốc gia Đại Cồ Việt.
Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của ba triều đại Đinh, Lê, Lý, không chỉ là cái nôi của nền văn hóa, lịch sử Việt Nam mà còn là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Ưu bà Phạm Thị Trân. Việc Chính phủ quyết định lấy ngày giỗ của Ưu bà (12/8 Âm lịch) là Ngày Sân khấu Việt Nam, việc tỉnh Ninh Bình vinh danh bà bằng cách đặt tên Nhà hát Trung tâm là Nhà hát Phạm Thị Trân cũng như tổ chức Hội thảo là những hành động thiết thực, thể hiện sự tri ân, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và con người đã góp phần làm rạng danh nền nghệ thuật nước nhà.
Ông Huỳnh Thanh Đạt đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện; tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Chèo. Các cấp, ngành cần xây dựng các chương trình, dự án có tính hệ thống, bền vững, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn, truyền thông và phổ biến di sản; khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại, để từ đó hình thành những tác phẩm sân khấu mới mang bản sắc Việt, có sức lan tỏa. Công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học cần chú trọng, giúp thể hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào với di sản văn hóa của cha ông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung về: ý nghĩa của việc xuất hiện bà tổ đầu tiên của sân khấu Việt Nam; cội nguồn văn hóa Ninh Bình và sự xuất hiện tổ Chèo Ưu bà Phạm Thị Trân; Bà Phạm Thị Trân với nền văn hiến Việt Nam; Ưu bà với nguồn gốc và quá trình hình thành nghệ thuật hát Chèo; vai hề trong Chèo cổ - một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Ưu bà, đến nay vẫn còn nguyên giá trị; trách nhiệm của người nghệ sĩ trong vấn đề kế thừa và phát huy di sản Chèo hiện nay; tiềm năng, giải pháp khai thác giá trị nghệ thuật sân khấu của Ưu bà Phạm Thị Trân phục vụ phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Ninh Bình.../.
- Từ khóa:
- Ninh Bình
- bà tổ đầu tiên
- sân khấu Việt Nam