Bộ Y tế đã cùng với các bộ, ngành rất tích cực trong việc tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi, ban hành các quy định, đặc biệt là Nghị định 98 và Nghị quyết số 144, qua đó sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
TTXVN - Chiều 3/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm.
*Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuốc, vật tư y tế
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa qua diễn ra ở một số bệnh viện, cơ sở y tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hóa, trang thiết bị, thuốc có những dấu hiệu khan hiếm. Nhiều loại có giá cả biến động cao, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tăng hơn.
Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, nhiều hợp đồng cung ứng liên quan đến hóa chất, vật tư y tế trước đây đã ký chỉ có thời hạn một năm, ví dụ như một số loại thuốc, vật tư được ký hợp đồng vào tháng 7/2022 thì đến tháng 7/2023 sẽ hết hạn. Tuy nhiên, theo nghị quyết của Chính phủ, các hợp đồng này lại không được tiếp tục. Các khó khăn này đang được tháo gỡ.
Tiếp đó, tình trạng gia hạn, cấp giấy phép thuốc, vật tư, trang thiết bị đang bị quá tải. Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu để mua sắm, có những gói thầu phải đấu thầu đến 2-3 lần. Ngoài ra, nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu cũng không đáp ứng được yêu cầu; có tâm lý e ngại trong việc mua sắm một số loại hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế...
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tích cực cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có giải pháp tháo gỡ trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc. Vừa qua, các đơn vị đã tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 80/2023/QH15 cho phép sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
"Cho đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép này. Có thể nói các giấy phép về lưu hành thuốc đến nay đã gia hạn hết, được tiếp tục lưu hành. Ngày hôm qua (2/3), Bộ Y tế đã trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định số 98, sẽ sớm được ký trong thời gian tới", Thứ trưởng Luận thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, Chính phủ cũng đang họp để sửa và tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Từ đó, các vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, thanh toán bảo hiểm y tế sẽ được giải quyết, trong đó sẽ tập trung giải quyết những vướng mắc về giá.
Thứ trưởng Luận cho biết, trước đây yêu cầu phải có 3 báo giá, tuy nhiên có những mặt hàng không có đủ 3 báo giá vì liên quan đến tính độc quyền. Do vậy phải sửa theo hướng chấp nhận lựa chọn có trường hợp chỉ có từ 1-2 báo giá.
Ngoài ra, trang thiết bị y tế cùng một cấu hình, cùng tính năng nhưng có nguồn gốc xuất xứ khác nhau thì giá thành cũng sẽ khác nhau. Nếu chỉ lấy giá thấp nhất có thể sẽ không đảm bảo chất lượng. Bộ Y tế đang trình theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định lựa chọn loại phù hợp, thích hợp khi sử dụng.
"Bộ Y tế đã cùng với các bộ, ngành rất tích cực trong việc tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi, ban hành các quy định, đặc biệt là Nghị định 98 và Nghị quyết số 144, qua đó sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay", ông Lê Đức Luận nói.
Về thời điểm khắc phục, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, ngay sau khi các văn bản này được ban hành, các đơn vị có thể tiến hành đấu thầu, mua sắm các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
* Công bằng trong thi và xét tuyển
Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, với những lo ngại của dư luận về tính công bằng khi nhiều địa phương tổ chức thi 3 môn, trong khi có địa phương thực hiện xét tuyển.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, Bộ đã ban hành Thông tư về quy chế thi Trung học cơ sở, Trung học phổ thông liên quan đến việc thi, thực hiện xét tuyển hay tích hợp thi tuyển và xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho các địa phương. Theo đó, dựa trên đặc điểm, tình hình cụ thể của các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để phê duyệt kế hoạch, cũng như quyết định môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi và điểm cộng...
"Vấn đề được quan tâm là tại sao tổ chức thi hay tiến hành xét tuyển. Tùy từng địa phương, căn cứ vào số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường Trung học Phổ thông ở địa bàn đó để quyết định xét tuyển hay thi tuyển. Với địa phương có nhiều trường Trung học Phổ thông để tiếp nhận học sinh thì việc tổ chức xét tuyển không căng thẳng, không áp lực. Nhưng càng ở các thành phố lớn, tại các trường chuyên, trường có tiếng thì việc tổ chức thi hay xét tuyển sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, nếu đã lập kỳ thi hay tổ chức xét tuyển, phải đảm bảo tính công bằng, tin cậy trước tiên. Sau đó, mới nói đến áp lực", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, với vấn đề cung - cầu, khi số lượng thí sinh và số lượng trường tiếp nhận có sự chênh lệch thì tổ chức thi hay xét tuyển đều áp lực.
"Nếu tổ chức thi, áp lực ở thời gian ôn và thi. Nếu dựa vào xét tuyển học bạ, áp lực rải qua các năm học. Với vấn đề công bằng, việc địa phương thi 3 môn hay địa phương thi 4 môn không liên quan đến nhau, vì chỉ áp dụng với từng địa phương. Chúng ta lưu ý công bằng cho các thí sinh trong địa phương", Thứ trưởng Sơn cho biết thêm.
* Thực hiện nghiêm về việc bỏ sổ hộ khẩu
Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết: Về bỏ sổ hộ khẩu giấy, trong mấy ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã đề cập vấn đề này kỹ và đầy đủ. Theo báo cáo từ các địa phương, từ hôm qua đến nay, cơ bản không còn ghi nhận sự phàn nàn về việc đòi sổ hộ khẩu chứng nhận cư trú.
"Chúng ta có 100 triệu dân, mỗi ngày có tới vài trăm nghìn giao dịch hoặc hơn, chắc chắn trong số đó có trục trặc, vận hành chưa thuần thục... Do đó, rất mong người dân thông cảm. Số người dân làm dịch vụ công bị phiền hà mà báo chí phản ánh có tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số lượng giao dịch. Bộ Công an có nhiều biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc, hiệu quả", Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết./.