Luật Tương trợ tư pháp cùng với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp Việt Nam hợp tác, giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự, kinh tế, dẫn độ hình sự mỗi năm.
TTXVN - Sáng 3/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 14 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chỉ rõ, việc Quốc hội thông qua Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này trong cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã triển khai tổng thể các hoạt động từ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, ký kết các điều ước quốc tế, tuyên truyền phổ biến pháp luật tương trợ tư pháp cho đến xây dựng về bộ máy nhân lực tại các cơ quan Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Luật Tương trợ tư pháp cùng với các điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp Việt Nam hợp tác, giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự, kinh tế, dẫn độ hình sự mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 - cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta, đặc biệt là ngày 9/11/2023 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thi hành Luật Tương trợ tư pháp để tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.
Việc tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp được Đảng Đoàn Quốc hội định hướng đưa vào Chương trình xây dựng luật Quốc hội khóa XV và Bộ Chính trị đã phê duyệt tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Hội nghị tổng kết là cơ hội để đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nhận diện được những thách thức, yêu cầu đối với công tác tương trợ tư pháp, đưa ra những kiến nghị về sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế ( Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương cho biết, sự ra đời của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, khung pháp lý về tương trợ tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Công tác điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực đã đi vào nề nếp, nghiêm túc và thống nhất quy trình thủ tục đàm phán, ký kết được quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Với số lượng hàng ngàn yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, hàng trăm yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự được thực hiện có kết quả ngày càng tăng hàng năm đã giúp các cơ quan tố tụng, tư pháp trong nước và nước ngoài xử lý các vụ việc dân sự - thương mại, giải quyết các vụ án hình sự đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự an ninh, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Theo đó, việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật trong giai đoạn đầu còn chậm so với tiến độ. Luật Tương trợ tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay chưa dự đoán hết được bước phát triển và tốc độ ứng dụng nhanh của khoa học kỹ thuật, chưa tạo ra khuôn khổ pháp lý mở sẵn sàng cho việc thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Việc triển khai thực hiện Luật thiếu tính kết nối; công tác kiểm tra trực tiếp tình hình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu trong các lĩnh vực tổ chức một cách rời rạc...
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Ngô Thị Quỳnh Anh cho biết, qua 14 năm triển khai thực hiện Luật, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt nhiều kết quả tích cực. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự cả trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp và xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự. Việc lập, tiếp nhận, thẩm định và chuyển giao thực hiện ủy thác tư pháp ở các bộ, ngành, địa phương được quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, góp phần thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, bà Ngô Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác trực tiếp với cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài và cơ quan có thẩm quyền trong nước để phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu liên quan đến các vụ án nghiêm trọng, phức tạp...
Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết những yêu cầu tương trợ tư pháp trong hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhằm đưa công tác này đi vào chiều sâu, có nội dung thực chất và hiệu quả./.
- Từ khóa:
- Luật Tương trợ Tư pháp
- Bộ Tư pháp