Thời sự

Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang: Hạn chế tối đa tác động tới người dân, doanh nghiệp

Tuyên Quang

Việc đặt trung tâm hành chính tại tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống qua các lần sáp nhập giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp. 
Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Chiều 17/4, Tỉnh ủy Tuyên Quang và Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức họp Ban Chỉ đạo hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh theo hình thức trực tuyến.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã trình bày dự thảo Đề án hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh: Tuyên Quang và Hà Giang. Theo đó, thành lập tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Sau khi hợp nhất, tỉnh mới được thành lập lấy tên là tỉnh Tuyên Quang và trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày Dự thảo Đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. 
Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Diện tích tỉnh mới được thành lập sau sắp xếp là gần 13.800 km2; quy mô dân số hơn 1,865 triệu người. Việc chọn tên tỉnh mới là Tuyên Quang giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau sáp nhập, qua đó bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý... Đồng thời, việc đặt trung tâm hành chính tại tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống qua các lần sáp nhập giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Đặc biệt, việc hợp nhất hai tỉnh còn tăng khả năng quản lý hành chính, tối ưu hóa bộ máy hành chính, giảm bớt tầng lớp trung gian, tiết kiệm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chính sách phát triển. Sự kết hợp các nguồn lực của hai tỉnh cũng tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất; mở rộng quy mô thị trường; thu hút đầu tư; cải thiện chất lượng dịch vụ công. Do cả hai tỉnh đều có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nên sẽ tạo ra một điểm đến du lịch phong phú, đa dạng văn hóa và cảnh quan, từ đó thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Theo dự thảo Đề án, sau khi hợp nhất giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực công, giảm thiểu tình trạng dư thừa lao động, tạo điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Thông qua việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm cũng góp phần nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của đội ngũ này; đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài, bố trí đúng người, đúng việc, đúng vị trí, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương nói chung và chính quyền địa phương các cấp nói riêng.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang được mở rộng dư địa với các cặp cửa khẩu, tạo sự liên kết, kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Tập trung  được nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng dịch vụ công; tăng quy mô đầu tư công; giảm chi phí quản lý trên mỗi đầu dân cư và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; củng cố và đảm bảo an ninh, quốc phòng...

Dự thảo Đề án cũng làm rõ phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, nhập nguyên trạng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ của tỉnh Hà Giang với tỉnh Tuyên Quang. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không cùng chức năng, nhiệm vụ của hai tỉnh thì giữ nguyên trạng và các nội dung khác thực hiện theo quy định của Chính phủ. Triển khai thực hiện đồng bộ với Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; Đề án kết thúc hoạt động của Đảng bộ cấp huyện và thành lập Đảng bộ cấp xã trực thuộc Tỉnh ủy.

Trước mắt, dự thảo Đề án sẽ được lấy ý kiến nhân dân trong ngày 20/4/2025 và hoàn thành trước 17 giờ ngày 20/4/2025.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng dự thảo Đề án. Để Đề án đáp ứng được yêu cầu đề ra, ông Hầu A Lềnh đề nghị các cơ quan, tổ giúp việc của hai tỉnh tiếp tục cập nhật các văn bản, hướng dẫn của Trung ương để làm căn cứ pháp lý; tăng cường đánh giá thực tế chính xác, tránh thiếu sót số liệu liên quan đến tài sản, số lượng cán bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu tại cuộc họp. 
Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga cũng ghi nhận tinh thần, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc hai tỉnh đã khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án. Bà Hà Thị Nga đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc chủ động phối hợp chặt chẽ, rà soát, cập nhật, chia sẻ để bổ sung thông tin chưa đầy đủ cũng như làm rõ những vấn đề liên quan được thảo luận tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án đảm bảo tiến độ theo đúng quy định.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành phù hợp với điều kiện thực tế của hai tỉnh, song yêu cầu đặt ra là đảm bảo chặt chẽ, tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện Đề án. Đối với các vấn đề liên quan như: đảm bảo cơ sở vật chất; bố trí, sắp xếp chỗ làm việc; nơi ở; đi lại..., tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với tỉnh Hà Giang xây dựng phương án nâng cấp, sửa chữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Hà Giang về làm việc sau hợp nhất./.

Hoàng Thanh Hải

Xem thêm