Môi trường

Hướng đến Hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa

Việt Nam và các nước trên thế giới đang tích cực đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Thu gom rác thải nhựa ven biển tại Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

TTXVN - Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai. Trước yêu cầu cấp bách đó, Việt Nam và các nước trên thế giới đang tích cực đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.

* Hợp tác toàn cầu là yêu cầu cấp bách

Sau hai phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023, quá trình đàm phán kỹ thuật xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa hiện đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, xây dựng lời văn cho Thỏa thuận để tiến hành đàm phán tại Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11/2023 tại Nairobi, Kenya và các phiên tiếp theo trước khi thông qua vào cuối năm 2024. 

Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trương Đức Trí nhấn mạnh, là quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học biển, môi trường biển và đới bờ; giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Đánh giá Thỏa thuận được thông qua sẽ là minh chứng sống động, thể hiện tinh thần gắn kết và hợp tác giữa các quốc gia trong việc chung tay giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nói chung và ô nhiễm nhựa nói riêng, Phó Cục trưởng Trương Đức Trí đề nghị các quốc gia có biển tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề cấp bách bao gồm ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại dương nhằm hướng tới môi trường sống an toàn hơn cũng như góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển. Cùng với đó, các quốc gia có biển cần tiếp tục đồng hành thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á cũng như các chương trình, dự án khu vực về bảo vệ môi trường biển; đồng thời cùng nhau đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, hành động mang tính đổi mới, sáng tạo nhằm hướng tới một nền quản trị đại dương có trách nhiệm, cùng phát triển.

Nhấn mạnh “vai trò nòng cốt” của sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đang gia tăng, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam lưu ý hai khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa gồm: công nhận, hỗ trợ và tăng cường đóng góp của những người lao động xử lý chất thải phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải và xem xét cách hiệp ước toàn cầu có thể xây dựng dựa trên những đóng góp này. Thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đầy đủ, đặc biệt là thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo các nỗ lực được hỗ trợ đầy đủ để tạo ra những biến đổi trên thực tế.

Ra quân làm sạch biển. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

* Cơ hội hoàn thiện chính sách môi trường

Về sự tham gia của Việt Nam trong Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thành lập Đoàn công tác tham gia phiên thứ hai Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách về môi trường. Đặc biệt là quản lý chất thải nói chung, bao gồm chất thải nhựa. Nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi những hành vi thường ngày trong sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái sử dụng cũng như thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình; trực tiếp thực hành những đổi mới, các giải pháp hữu ích thân thiện trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Bà Vũ Thị Dung, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được các quốc gia bao gồm Việt Nam thống nhất các mục tiêu chung như: chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi các tác động tiêu cực trong cả vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa trong suốt vòng đời của chúng, thông qua việc thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. 

Ông Hoàng Thành Vĩnh, Quản lý Chương trình hóa chất, chất thải và kinh tế tuần hoàn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và các đối tác khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động. Trưởng Nhóm Công tác của Chương trình là Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cùng 34 đại diện cấp cao thuộc các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực chống ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, đã thông qua kế hoạch hoạt động năm 2023 và định hướng đến năm 2025, trong đó tập trung thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo, khơi dòng tài chính; phổ biến chính sách; phát triển toàn diện trong chuỗi giá trị nhựa. 

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng đoàn công tác liên ngành của chính phủ tại các phiên đàm phán tiếp theo, thông qua những hỗ trợ kỹ thuật, huy động các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, các đơn vị ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, hiệp hội và đơn vị nghiên cứu, tham gia và đóng góp ý kiến phù hợp với điều kiện trong nước và hài hòa với thông lệ của quốc tế nhằm xây dựng một bản đề xuất của Việt Nam hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Tiến sỹ Quách Thị Xuân, Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam cho rằng, hiệp ước nhựa toàn cầu là cơ hội để các nước cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các nước phải cân nhắc kỹ mức cam kết của nước mình để đảm bảo đồng thời các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.  

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương có sứ mệnh bảo vệ con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái thông qua các hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn biển, giảm ô nhiễm nhựa, chất thải rắn, thúc đẩy các hoạt động tích cực ở cấp địa phương, tăng cường năng lực cho cộng đồng, định hình các chính sách quốc tế. Do vậy, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương khẳng định, tiếp tục đồng hành cùng Đoàn Việt Nam trong quá trình đàm phán hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu với mong muốn Việt Nam sẽ thể hiện quan điểm tiến bộ, ủng hộ quá trình ra quyết định dân chủ, ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp hướng đến giảm nhựa, ô nhiễm nhựa trên cơ sở tham vấn rộng và sâu các bên liên quan trong và ngoài nước./.

Hoàng Nam

Xem thêm