Hằng năm, khi mọi công việc đồng áng đã xong xuôi, đồng bào dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức Lễ Nhảy lửa để mừng cho mùa màng bội thu, mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an.
TTXVN - Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, diễn ra tại tỉnh Lai Châu, tối 4/11, đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ở tỉnh Tuyên Quang tái hiện nghi Lễ Nhảy lửa, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Lễ Nhảy lửa - một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, là minh chứng cho sức mạnh của con người trong cuộc sống và những ước mong chế ngự được thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Lễ Nhảy lửa còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Hằng năm, khi mọi công việc đồng áng đã xong xuôi, đồng bào dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức Lễ Nhảy lửa để mừng cho mùa màng bội thu, mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ.
Lễ Nhảy lửa chính thức được bắt đầu vào khoảng từ 19 giờ. Mở đầu nghi lễ, thầy cúng thắp nến và bày các lễ vật lên mâm cúng. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, rượu, giấy cúng, đèn hương…
Sau đó, thầy cúng sẽ thắp 3 nén hương cắm vào bát hương trên bàn rồi đốt thêm 3 nén hương cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Tiếp đến, thầy cúng ngồi vào ghế cúng, tay cầm que tre gõ vào đàn pàn dơ vừa lắc vòng, thân người bật lên theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng nói lên lí do tổ chức lễ hội nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép “nhập ma”.
Khi được các thần đồng ý, thầy cúng sai các học trò bắt đầu châm lửa vào đống củi. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn pàn dơ và lắc người liên tục, miệng đọc các bài cúng.
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.
Khi tiếng nhạc nổi lên cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, từng chàng trai bắt đầu rung người, ánh mắt tự nhiên khác lạ, đầu lắc đi lắc lại... Họ nói rằng các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy.
Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc.
Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự gieo hò và cổ vũ của những người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng, thầy cúng cũng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân của thầy rung lên bần bật trên ghế.
Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban tiếp sức mạnh cho đợt nhảy mới. Một lúc sau, người họ lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay nhau lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng.
Phần nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng cho đến khi lửa tàn hẳn. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng tiếp tục gõ pàn dơ, khấn cúng tiễn thần thánh trở về trời và khấn xin các thần, thánh không nhập vào những người nhảy lửa nữa, để họ trở lại trạng thái bình thường.
Lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng. Lễ nhảy lửa kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Được tận mắt chứng kiến Lễ Nhảy lửa, chị Hoàng Kim Oanh ở Lai Châu phấn khởi nói, lần đầu tiên được xem lễ chị thấy rất vui và thú vị. Nghi lễ này huyền bí bởi các thanh niên lao vào bốc lửa mà không bị bỏng tay, chân. Chị Oanh cho rằng đây là nghi lễ độc đáo và thu hút sự hiếu kỳ nhất trong các nghi lễ chị từng được chứng kiến.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, ngày 1/6/2023, Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời gắn kết con người với cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường./.
- Từ khóa:
- Lễ Nhảy lửa
- Pà Thẻn
- Tuyên Quang