Lễ hội ăn mừng lúa mới được tổ chức quy mô tùy thuộc vào việc gia đình thu hoạch mùa vụ trúng hay mất mùa. Lễ cúng này đơn giản, lễ vật chỉ cần trầu cau, cơm, trứng luộc và rượu. Sau khi cúng, mọi người cùng nhau tuốt lúa, làm sạch cho vào gùi và rước thần lúa về nhà.
TTXVN - Lễ ăn mừng lúa mới của một số đồng bào dân tộc thiểu số như Raglai, T'rin... ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những lễ hội dân gian với nhiều nét đẹp dân tộc được đồng bào và chính quyền nơi đây giữ gìn, phát huy.
Nét đẹp Lễ ăn mừng lúa mới
Trước khi diễn ra Lễ ăn mừng lúa mới, người đồng bào dân tộc thiếu số ở Khánh Vĩnh thực hiện tuần tự các bước trồng lúa rẫy. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất. Nhờ sương trời gió núi, những giống lúa vươn mình nảy mầm xanh rồi đơm bông, kết thành những “hạt ngọc” to, chắc nịch; khi nấu chín có mùi thơm đặc trưng đại ngàn.
Lúa rẫy không cày bừa như lúa nước, chỉ có người đàn ông đi trước đào lỗ, người phụ nữ bỏ hạt lúa xuống rồi lấp đất lại. Mùa thu hoạch đến, lúa chín vàng ươm cả những vạt đồi. Người trong buôn làng đổi công cho nhau để thu hoạch lúa nên thời vụ diễn ra rất nhanh. Họ dựng chòi trên rẫy, thay phiên nhau tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi. Cây lúa sau thu hoạch, tự mục thành phân bón cho các cây keo trên triền đồi. Lúa được phơi khô, người đồng bào chọn những hạt lúa to, căng tròn phơi khô cất giữ trong ống lồ ô làm giống cho vụ sau và tiến hành ăn mừng lúa mới.
Lễ ăn mừng lúa mới được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm khi tiếng sấm vang lên với quan niệm bắt đầu khai thông đất trời, âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc. Để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng nhất trong năm này, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được giao nhiệm chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông sẽ dựng cây nêu, sửa sang nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về. Không khí đón mừng lúa mới rộn ràng khắp buôn làng và trong mỗi căn nhà sàn của đồng bào.
Lễ hội ăn mừng lúa mới được tổ chức quy mô tùy thuộc vào việc gia đình thu hoạch mùa vụ trúng hay mất mùa. Trước hết, người lớn trong nhà lên rẫy (chọn rẫy tốt nhất) làm lễ cúng thần lúa, xin rước thần lúa về nhà. Lễ cúng này đơn giản, lễ vật chỉ cần trầu cau, cơm, trứng luộc và rượu. Sau khi cúng, mọi người cùng nhau tuốt lúa, làm sạch cho vào gùi và rước thần lúa về nhà.
Trong lễ chính ăn mừng lúa mới, bà con thường tổ chức linh đình, rộn ràng, những gia đình được mùa to, cúng lớn tổ chức tại nhà dài. Đối với những gia đình làm lễ lớn, bà con trong thôn sẽ giúp chuẩn bị gạo, nếp, rau củ, nấu nướng và món canh bùi - món ăn truyền thống không thể thiếu. Canh bùi có nguyên liệu từ gạo của lúa mới và lá cây bột ngọt giã nhuyễn, nấu chung với rau xắt nhỏ, khi chín sền sệt, có mùi vị béo, thơm của gạo, ngọt của rau.
Các vật lễ được chuẩn bị trước đó sẽ được thầy cúng sắp đặt và cúng với các nghi thức rất long trọng trước sự chứng kiến của gia đình, bà con. Những bông lúa giống được treo ở cây nêu trong những ngày diễn ra lễ hội. Sau phần lễ, chủ nhà thường bưng chén rượu đến mời từng người. Mọi người chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Lễ ăn mừng không thể thiếu những điệu múa của những cô gái dân tộc. Thanh niên trong làng còn đốt lửa trại, cùng nhau ca hát, nhảy múa.
Giữ gìn truyền thống dân tộc
Trước thực tế canh tác lúa nước hiệu quả cao, phong tục canh tác lúa rẫy của đồng bào thiểu số giảm dần, việc tổ chức lễ ăn mừng sau khi kết thúc vụ mùa lúa rẫy không còn nhiều. Vì vậy mới đây, UBND huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức phục dựng Lễ hội ăn mừng lúa mới của người dân tộc Raglai - nằm trong Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ, Lễ phục dựng ăn mừng lúa mới của dân tộc Raglai sẽ góp phần hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mục tiêu hướng tới vừa bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc vừa khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo bà Ca Tông Thị Mến, phong tục ăn mừng lúa mới có từ lâu trong đồng bào dân tộc thiểu số, là cách bà con tạ ơn Giàng (trời), đất, tổ tiên, các vị thần đã phù hộ cho họ có một vụ mùa bội thu. Người Raglai tin rằng, thế giới tự nhiên có nhiều vị thần và trong các nghi lễ liên quan tới đời người, tới cây lúa mẹ, Giàng chính là hồn lúa mẹ, là đức siêu nhiên tối cao có sức mạnh tác động đến sản xuất và cuộc sống của họ. Tết đầu lúa hay nghi lễ mừng lúa mới của bà con Raglai gắn với tập tục đón rước Giàng, đón hồn lúa từ rẫy về ăn Tết cùng gia đình và cầu mong hồn lúa phù hộ giúp đỡ gia đình một năm dồi dào sức khỏe, làm ăn khấm khá.
Theo những những già làng Raglai ở huyện Khánh Vĩnh, nghi lễ cúng lúa mới chính là sự thể hiện lòng biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người. Người Raglai thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới mang tính chất đại gia đình là để bày tỏ biết ơn bà con trong buôn làng đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình họ trong sản xuất, thu hoạch vụ mùa trong năm.
Theo Nhà nghiên cứu dân gian Ngô Văn Ban (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nói lễ ăn mừng lúa mới của người dân tộc Raglai là Tết nhưng không phải là Tết theo phong tục của người Kinh. Lễ ăn mừng diễn ra chính thức trong 3 ngày, đánh dấu một vụ mùa đã qua. Lễ ăn mừng có nhiều nghi thức cúng tế, cúng Giàng, các vị thần như thần lúa, thần bắp… đã cho họ sự ấm no. Ngày thứ ba trong lễ hội, đồng bào tiếp tục lên rẫy dọn dẹp cho vụ mới. Ý nghĩa sâu xa của lễ ăn mừng lúa mới của người đồng bào là tạo lương thực từ đời này sang đời khác. Việc phục dựng Lễ hội ăn mừng lúa mới của người dân tộc Raglai không chỉ bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc mà còn có thể phổ biến cho nhân dân trong tỉnh và du khách biết về phong tục của người dân Khánh Vĩnh./.