Xã hội

Huyện miền núi Tiên Yên không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương

Quảng Ninh

Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, sau 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2023 của huyện đạt 16,7%/năm.

Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 giải phóng (8/8/1954-8/8/2024), chiến thắng quân Pháp và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất biên cương, ngã ba vùng Đông Bắc đã có nhiều đổi thay.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ. 
Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Vào ngày 8/8/1954, những đội quân Pháp cuối cùng đã lặng lẽ cuốn cờ rút khỏi Tiên Yên trước sự chứng kiến của hàng nghìn quần chúng nhân dân và Tổ giám sát Quốc tế đình chiến tại Tiên Yên, chấm dứt những năm tháng thống trị của chủ nghĩa thực dân trên mảnh đất này, trả lại nền hòa bình để nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển huyện miền núi ngày càng giàu mạnh.

Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, sau 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2023 của huyện đạt 16,7%/năm. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất tại huyện đạt trên 5.073 tỷ đồng (gấp trên 32 lần so với năm 1987, khi bước vào đổi mới); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 77 triệu đồng/người/năm.

Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, bê tông hóa hệ thống giao thông nông thôn. Các công trình trọng điểm, mang tính động lực được đưa vào sử dụng như: Hồ Khe Cát; đường Đại Phong; đường Đại Dực - Đại Thành; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Trung tâm Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; hệ thống đường giao thông nông thôn đến các thôn, bản...

Bản sắc văn hóa của các dân tộc (Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu…) tại huyện được bảo tồn, phát huy. Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; tình hình an ninh, chính trị ổn định.

Tiết mục nghệ thuật tái hiện lại ngày giải phóng Tiên Yên. 
Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Nguyễn Chí Thành cho biết, năm 2019, Tiên Yên là huyện dân tộc miền núi phía Bắc đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, thị trấn Tiên Yên mở rộng đạt đô thị loại IV; năm 2023, huyện Tiên Yên là một trong 2 huyện đầu tiên trên toàn quốc vinh dự được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với đặc trưng thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc.

Tiên Yên đã từng bước phát triển đi vào chiều sâu, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế với hướng đi “2 con, 1 cây”, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ với các sản phẩm OCOP địa phương.

Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xây dựng Tiên Yên giàu đẹp, văn minh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề nghị huyện Tiên Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng huyện Tiên Yên là trung tâm văn hóa; là đô thị đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt - Trung; là vùng phát triển công nghiệp, logistics, trọng điểm chế biến, giao dịch nông, lâm sản; khu vực phụ trợ cho các khu kinh tế (Móng Cái, Vân Đồn)....

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị huyện cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hình thành các chuỗi liên kết... với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện trong đời sống của nhân dân./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm