Đây là giải pháp phi công trình để góp phần chắn sóng, giữ đất, phòng, chống sạt lở khá hiệu quả, mang tính bền vững với chi phí thấp.
TTXVN - Một số địa phương ở tỉnh Đồng Tháp đã triển khai trồng cây bần dọc các tuyến sông, kênh, rạch, làm “kè xanh” nhằm giảm sạt lở. Đây là giải pháp phi công trình để góp phần chắn sóng, giữ đất, phòng, chống sạt lở khá hiệu quả, mang tính bền vững với chi phí thấp.
Từ sự hỗ trợ của Trung ương, Đồng Tháp thực hiện nhiều công trình kè nhằm xử lý tình trạng sạt lở. Các công trình kè Hồng Ngự, kè Sa Đéc, kè An Hiệp (huyện Châu Thành)… đã phát huy tác dụng nhưng số vốn đầu tư rất lớn. Nhiều công trình kè khác đang tiếp tục được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Đồng Tháp còn áp dụng biện pháp phi công trình để phòng, chống sạt lở. Tỉnh khuyến khích người dân trồng các loại cây có khả năng giữ đất, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, nổi bật là cây bần. Đây là loài thực vật thân gỗ, sống, phát triển tốt trong môi trường ngập nước, có chiều cao trung bình từ 10 - 15m. Bộ rễ của cây bần rất phát triển, bám sâu vào bùn đất, hướng lên khỏi mặt nước, rễ mọc thành từng khóm quanh gốc. Bần là loài cây “dễ tính”, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Người dân có thể tự ươm giống từ quả bần chín. Với ưu điểm đó, người dân ở Đồng Tháp đã trồng bần dọc các tuyến sông, kênh, rạch để góp phần chắn sóng phòng, chống sạt lở đất. Để tăng khả năng bảo vệ bờ sông trước sạt lở, nhiều người dân kết hợp biện pháp trồng bần với nuôi thả lục bình.
Tuyến kênh Ông Hộ (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc) có nhiều điểm bị sạt lở. Do đó, khoảng 8 năm trước, một số người dân nơi đây đã trồng bần với hy vọng góp phần giảm sạt lở. Ông Phạm Thành Hiếu, người dân xã Tân Quy Tây cho biết, trồng bần không tốn chi phí nhiều, chỉ tốn công trồng. Cây phát triển tốt, nhờ nó giữ đất nên giảm đáng kể tình trạng sạt lở. Có nơi không những bờ sông không sạt lở, đất còn bồi ra thêm hơn 1 m.
Theo nhiều người dân ở Đồng Tháp, sau khoảng 3 năm trồng, cây bần phát huy được tác dụng chắn sóng, giữ đất. Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây Phan Thanh Vũ đánh giá, nhìn chung, việc trồng bần để giữ đất là giải pháp khá hiệu quả. Gần đây, xã đã triển khai trồng thêm 2.400 cây bần ven kênh Ông Hộ và một số tuyến kênh khác.
Anh Trịnh Xuân Nghĩa ở ven kênh Cần Lố, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh đánh giá cao hiệu quả của việc trồng bần để giữ đất, phòng, chống sạt lở bờ sông. Anh Nghĩa cho biết, tháng 5/2023, tuyến đường bờ Tây kênh Cần Lố (phía trước nhà anh) xảy ra vụ sạt lở, dài khoảng 30 m, “ăn” sâu vào bờ từ 4 - 5m (khu vực này không có trồng bần). Tuy nhiên, khu vực sát đó có trồng nhiều cây bần (khoảng hơn 3 năm tuổi) dọc bờ kênh không bị sạt lở. Rễ bần phát triển nhiều, đâm thẳng từ dưới mặt đất lên, giữ đất khá hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, từ nguồn kinh phí của huyện, địa phương đã triển khai trồng hơn 2.000 cây bần dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch. Hiện nay, nhiều cây bần trên dưới 3 năm tuổi, có khả năng chắn sóng, giữ đất. UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống và hạn chế sạt lở như nuôi thả lục bình, trồng một số loại cây có khả năng giữ đất như: cây lùng, cây nga…, đặc biệt là cây bần. Năm nay, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Cao Lãnh trồng mới hơn 38.000 cây bần ven bờ sông, kênh, rạch với chiều dài trên 38 km.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Điền, đã từ lâu, người dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sống ở ven sông, kênh, rạch đã trồng bần để bảo vệ đất. Việc trồng bần để chắn sóng, giữ đất là giải pháp bền vững, ít tốn kém và mang lại hiệu quả trong việc phòng, chống sạt lở bờ sông, đặc biệt là sông, kênh, rạch nội đồng.
Ông Huỳnh Minh Đường, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp cho hay, với hiệu quả mang lại, tỉnh đang tiếp tục triển khai “chiến dịch” trồng cây bần để góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông, giảm nhẹ nguy cơ rủi ro do sạt lở đất gây ra. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã trồng gần 120.000 cây bần tại 107 tuyến bờ sông, kênh, rạch… có nguy cơ sạt lở trên địa bàn 30 xã thuộc các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc, trên tổng chiều dài gần 248 km, kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng./.