An sinh

Kết nối, đào tạo nghề để thêm cơ hội việc làm cho người lao động

Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh triển khai các quy hoạch và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú và các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ công nhân và người lao động để tạo môi trường sống và làm việc tốt, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao.


Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tiến Thuận ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Bên cạnh tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động đang được đẩy mạnh, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng biến động.

*Nhiều cơ hội việc làm tại địa phương

Phiên giao dịch việc làm diễn ra vào ngày 20/5 do Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công tỉnh tổ chức đã kết nối 8 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia tuyển dụng 1.715 lao động, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dệt may, sản xuất nha đam và nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng mang đến 3.750 cơ hội việc làm đa dạng, từ dệt may, giày da đến xây dựng và chế biến nông sản. Ngoài ra, hơn 100 cơ hội làm việc ở nước ngoài cũng được giới thiệu bởi các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với mức lương từ 28 – 32 triệu đồng/tháng.

Với mong muốn có một cuộc sống ổn định, gần gia đình hơn sau 4 năm làm công nhân may tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lưu Thị Kim Thừa (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) đã tìm hiểu về cơ hội việc làm tại địa phương và quyết định nộp hồ sơ vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Innoflow Ninh Thuận (Khu công nghiệp Phước Nam). Chị Thừa chia sẻ: “Mức lương và các chế độ đãi ngộ của công ty khá tốt, khoảng hơn 7 triệu đồng một tháng nếu có tăng ca. So với trước đây ở thành phố thì không khác biệt nhiều về thu nhập, nhưng tôi lại tiết kiệm được khoản tiền thuê nhà đáng kể”.

Lao động trẻ tìm hiểu thông tin việc làm tại Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công tỉnh Ninh Thuận. 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Nguyễn Trung Duy, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương (Khu công nghiệp Du Long, huyện Thuận Bắc) cho biết, công ty đang mở rộng quy mô sản xuất và cần tuyển thêm khoảng 300 công nhân. Nếu người lao động chưa biết nghề may, công ty sẽ hỗ trợ đào tạo nghề từ 21 - 30 ngày, kèm theo đó là chế độ hỗ trợ lương trong suốt quá trình đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động sẽ được chuyển sang bộ phận sản xuất với mức thu nhập hấp dẫn, dao động từ 6,5 – 10 triệu đồng cùng với hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định và các khoản phụ cấp, thưởng khác.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có ba khu công nghiệp đang hoạt động gồm: Khu công nghiệp Thành Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), Khu công nghiệp Du Long (huyện Thuận Bắc) và Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam). Ngoài ra, Khu công nghiệp Cà Ná (huyện Thuận Nam) với quy mô hơn 827 ha đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I. Tính đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút 43 dự án đầu tư thứ cấp với tổng số vốn đăng ký trên 5.953 tỷ đồng.

Trong số các dự án thu hút đầu tư có 21 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất và kinh doanh ổn định, 4 dự án khác đang hoạt động một phần. Các hoạt động sản xuất chủ yếu tập trung vào các ngành như: chế biến thực phẩm, thủy sản và nông sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và một số ngành công nghiệp nhẹ khác. Các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho gần 10.700 lao động địa phương, mức thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

* Đa dạng hình thức kết nối việc làm

Phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công tỉnh Ninh Thuận tổ chức. 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công (Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận) cho hay, để đảm bảo lao động cho các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị đang tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, trường cao đẳng nghề và các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp kết nối cung – cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Qua đó, không những giải quyết nhu cầu việc làm cho những lao động mới mà còn thu hút lượng lớn lao động là người địa phương đang làm việc ngoài tỉnh trở về làm việc.

Hiện nay, Trung tâm đang tích cực đổi mới các hình thức tư vấn và giới thiệu việc làm, kết hợp giữa phương thức trực tiếp, trực tuyến và lưu động. Cụ thể, hoạt động tư vấn và kết nối việc làm trực tiếp diễn ra liên tục trong tuần tại sàn giao dịch việc làm cố định của Trung tâm (số 182/1, đường Thống Nhất, phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), cùng với phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 20 hằng tháng (bao gồm cả thứ Bảy và Chủ nhật). Điều này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cả người lao động và nhà tuyển dụng gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn và kết nối giúp người lao động, đặc biệt là thanh niên, tìm được việc làm phù hợp trong và ngoài tỉnh, hoặc cơ hội làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn lao động có kỹ năng và kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các buổi kết nối việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, cụm xã, phường, trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động trực tuyến cũng được đẩy mạnh thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, cùng với các hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi, băng rôn, áp phích. Trung tâm cũng hợp tác với các Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh lân cận để tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm đa dạng hóa kênh kết nối cung - cầu lao động cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công tỉnh Ninh Thuận chia sẻ thêm.

Để ổn định nguồn lao động tại chỗ và thu hút lao động có tay nghề từ các tỉnh khác, UBND tỉnh Ninh Thuận đang chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai các quy hoạch và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú và các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ công nhân và người lao động. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo môi trường sống và làm việc tốt, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách đầu tư trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng cường phân cấp và rà soát, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển sản xuất - kinh doanh. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực trong quý I năm 2025, với tổng sản phẩm nội tỉnh trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6.307 tỷ đồng, tăng 8,57% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 5.443 lao động, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước./.

Nguyễn Huy Thành

Xem thêm