Thời sự

Khắc ghi lời Bác dặn, Phúc Yên dẫn đầu về phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc

Với vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm liền Phúc Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và cao hơn mặt bằng chung của tỉnh, thu ngân sách trên địa bàn tăng cao và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

 Một đoạn phố đi bộ tại khu du lịch Flamingo Đại Lải Resort tại thành phố Phúc Yên. 
 Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Ngày 21/12, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã (nay là thành phố) Phúc Yên (1/1/2004-1/1/2024); 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên (24/12/1958-24/12/2023).

Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, từ khi tái lập thị xã đến nay, với vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh, nhiều năm liền Phúc Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và cao hơn mặt bằng chung của tỉnh, thu ngân sách trên địa bàn tăng cao và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến nay, Phúc Yên vẫn là đơn vị dẫn đầu về phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Trên địa bàn, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của thị xã Phúc Yên sau khi tái lập cũng đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Thị xã Phúc Yên chính thức được thành lập ngày 31/10/1905. Phạm vi của thị xã được thiết lập bởi đất đai của 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu. Đến đầu năm 1949, cấp trên chỉ đạo giải thể thị xã Phúc Yên. Ngày 1/2/1955, thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định 450 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26/6/1976, một lần nữa Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh thì thị trấn Phúc Yên là huyện lỵ của huyện Mê Linh. Năm 1978, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội. Năm 1991, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú và đến năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/ NĐ-CP, thị xã Phúc Yên được tái lập và mở rộng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới từ ngày 1/1/2004, gồm 5 phường và 4 xã. Sau hơn 14 năm xây dựng và phát triển, ngày 7/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Nam Viêm, phường Tiền Châu thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. 20 năm qua, Phúc Yên đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế trên địa bàn luôn có mức tăng trưởng và dần phát triển ổn định. Thu ngân sách của Phúc Yên đạt cao, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh tự cân đối được ngân sách và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2023, thu ngân sách đạt 7.215,1 tỷ đồng. Thành phố đã tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm về phát triển giao thông, đô thị; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, điện, nước, giáo dục, khu vui chơi, giải trí...

Cách đây 65 năm, sáng 24/12/1958, chính quyền và nhân dân thị xã Phúc Yên vinh dự được Bác Hồ về thăm địa phương. Bác đã đến thăm lớp “Bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp” và căn dặn: "Hợp tác xã đông người nên có sức mạnh. Nếu biết tổ chức tốt sẽ làm được nhiều việc. Cán bộ hợp tác xã phải chí công, vô tư cùng xã viên dân chủ xây dựng hợp tác xã. Hợp tác xã dù bậc thấp hay bậc cao cũng phải xây dựng cho tốt, tài chính công khai, phân phối minh bạch và công bằng, phải thật sự dân chủ xây dựng hợp tác xã. Thực hiện đảng viên đi trước, làng nước theo sau; kế toán phải có sổ sách minh bạch…”. Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên luôn khắc ghi những lời căn dặn của Người, cùng đồng tâm, nhất trí, xây dựng quê hương Phúc Yên có được thành quả như ngày hôm nay. Thời gian tới, thành phố Phúc Yên tập trung các nguồn lực xây dựng, phát triển đô thị xứng đáng là vùng kinh tế, đô thị trọng điểm, là đô thị hạt nhân trong xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc hiện tại và tương lai. Thành phố cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng “xanh, sạch, đẹp”./.

PV

Xem thêm