Xã hội

Khánh Hòa: 370 năm hình thành, phát triển và khát vọng vươn lên

Khánh Hòa

Hội thảo "370 năm hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa" là dịp để bổ sung những vấn đề mới, những thông tin khoa học đối với nguồn tư liệu về Khánh Hòa trên chặng đường dài 370 năm xây dựng và phát triển.

Các đại biểu chủ trì hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Ngày 31/3, tại thành phố Nha Trang, Hội thảo khoa học với chủ đề "370 năm hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 – 2023)"đã được UBND tỉnh tổ chức.

 Hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, doanh nhân, nhà quản lý trong và ngoài nước đã dự.

Hội thảo còn là dịp để bổ sung những vấn đề mới, những thông tin khoa học đối với nguồn tư liệu về Khánh Hòa trên chặng đường dài 370 năm xây dựng và phát triển; đề xuất những giải pháp với những luận cứ khoa học và thực tiễn, thiết thực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Tính từ thời điểm năm Quý Tỵ (1653), khi chúa Nguyễn Phúc Tần thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất này, đến mùa Xuân năm Quý Mão (2023) là vừa tròn 370 năm. Năm 1831, Vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa. Sau lần hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào năm 1975 lấy tên là tỉnh Phú Khánh. Năm 1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho đến ngày nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phân tích các bài học kinh nghiệm của giai đoạn đã qua, nhận diện rõ bối cảnh toàn cầu và các xu hướng phát triển tương lai là một đòi hỏi nghiêm túc, cấp bách để Khánh Hòa có căn cứ định vị lại vai trò, vị thế của mình, định hình tầm nhìn, xây dựng chiến lược phát triển mới trong tổng thể chiến lược quốc gia.

Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn, tuy nhiên vẫn chưa phát triển “đúng tầm", chưa đáp ứng với kỳ vọng, chưa đạt mức "trung bình cả nước" và cơ bản vẫn là địa phương "khó phát triển".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc cho rằng, kỷ niệm 370 năm Ngày thành lập Khánh Hòa cũng chính là cơ hội thống kê lại một cách sát sao những tài nguyên và tài sản của quá khứ, gắn với những giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại, sẽ giúp ích cho công cuộc phát triển của Khánh Hòa và cả nước. Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa.

Tiếp cận vấn đề về khai thác giá trị tài nguyên, môi trường biển, đảo và phát triển kinh tế bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã nêu một số giải pháp trong thời gian sắp tới. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa cần chú ý tuyên truyền, giáo dục về tài nguyên đảo với các hình thức đa dạng, hiệu quả; xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; rà soát, bố trí lại không gian phát triển và bảo tồn để bảo đảm tính liên kết, giảm thiểu xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển.

Tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam nhấn mạnh: Việc áp dụng công nghệ blockchain có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế biển bao gồm du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đóng mới, sửa chữa tàu biển trong điều kiện giữ gìn hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Khánh Hòa cần phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển dịch vụ Logistics, tăng cường kết nối với các địa phương trong vùng miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Khánh Hòa có thể phát triển kinh tế, giảm nghèo bằng cách tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các nước có công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Để thành công trong việc chuyển đổi số, tỉnh cần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thông tin quản lý của nhà nước, phản hồi của người dân, doanh nghiệp được xử lý một cách hiệu quả.

Về vấn đề bản sắc văn hóa Khánh Hòa trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng lý luận Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khánh Hòa chính là góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn phát triển bền vững không thể bỏ quên yếu tố văn hóa, đó cũng là lời khuyến cáo của UNESCO dành cho tất cả các quốc gia muốn hội nhập và phát triển thành công./.


Đặng Anh Tuấn

Xem thêm