Thời sự

Khảo sát việc thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Đắk Lắk

Đắk Lắk

Đắk Lắk luôn chú trọng triển khai, thi hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TTXVN - Ngày 22/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Bộ Công an đã tổ chức khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Đắk Lắk.

Quang cảnh hội nghị.(Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN)

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn được tổ chức thực hiện có hiệu quả, bám sát các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Điển hình như: Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc triển khai các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; người đứng đầu chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa được tiến hành thường xuyên; việc tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức thực tập không cao, chưa phù hợp, còn mang tính hình thức...

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk cũng báo cáo về các tồn tại, bất cập, thảo luận các nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy đối với các lĩnh vực xây dựng, công thương, nông nghiệp và đặc thù; khó khăn trong phòng cháy, chữa cháy ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa...

Theo ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh luôn chú trọng, triển khai, thi hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dù được quan tâm, đầu tư trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng thực tế ở các địa phương vẫn tồn tại những khó khăn về lực lượng chuyên trách, trang thiết bị chuyên dùng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Công tác thanh tra, giám sát của các cấp và nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chuyên trách cũng cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả. Đây đều là những vấn đề cần được luật quy định cụ thể để phù hợp với thực tiễn. Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Đoàn công tác ghi nhận, tham mưu đến cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội thời gian tới.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; đề xuất Chính phủ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện các văn bán quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình hiện nay.

Kết luận buổi làm việc, Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hoàn thiện báo cáo, tập trung vào các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực thi. Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến để tham mưu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. UBND tỉnh Đắk Lắk cần bám sát quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia về phòng cháy, chữa cháy để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, phát huy hiệu quả của công tác phòng cháy, chữa cháy./.


Tuấn Anh

Xem thêm