Nhờ chuyển từ hỗ trợ sinh kế đơn thuần sang hỗ trợ có điều kiện làm tăng tính hiệu quả, nhiều hộ nghèo đã cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
(TTXVN)- Việc triển khai chương trình giảm nghèo tại các huyện miền núi Quảng Ngãi đã chuyển từ hỗ trợ sinh kế đơn thuần sang hỗ trợ có điều kiện làm tăng tính hiệu quả của chương trình. Các cơ quan, đơn vị không chỉ khơi dậy ý chí, nghị lực mà còn đưa các dự án và nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
* Trao "cần câu" khuyến khích người dân vươn lên
Với quan điểm: Chuyển từ hỗ trợ sinh kế đơn thuần sang hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, tìm được hướng đi nhằm cải thiện cuộc sống. Ủy ban nhân dân huyện Minh Long đã tăng cường tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Gia đình anh Đinh Sang Hào (thôn Làng Giữa, xã Long Môn) là một trong những hộ dân được Ủy ban nhân dân xã Long Môn, huyện Minh Long chọn ưu tiên hỗ trợ thoát nghèo trong năm 2023. Theo đó, để được nhận hỗ trợ về vốn, cây, con giống, anh Hào phải đầu tư kinh phí làm chuồng trại, trồng một số loại rau, cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Sau gần 5 tháng chăm sóc, đàn gà, lợn phát triển tốt, anh Hào đã xuất bán và thả nuôi lứa tiếp theo.
“Trước kia gia đình tôi đã từng được hỗ trợ gà giống để phát triển kinh tế, nhưng do không biết cách chăm sóc nên gà bị bệnh chết hết. Lần này gia đình tôi được cán bộ Ủy ban nhân dân xã đến hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách phòng bệnh, chăm sóc nên đàn gà, lợn phát triển tốt. Với lứa gà, lợn đầu tiên xuất bán, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng. Nếu lứa gà, lợn này tiếp tục thành công, chắc chắn cuối năm nay gia đình tôi đủ tiêu chuẩn thoát nghèo”, anh Hào phấn khởi cho biết.
Nói về giải pháp giảm nghèo bền vững ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho rằng: Chủ trương của huyện là chú trọng phát triển các mô hình đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong đó tập trung chọn những cây con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện cũng chủ trương tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động chủ động đi xin việc tai các công ty, doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Dung Quất trong tỉnh nhằm mang lại thu nhập ổn định, từ đó thoát nghèo bền vững.
“Quan điểm của huyện là trao giải pháp, tức là trao “cần câu”, không phải trao “con cá”; khuyến khích người dân vươn lên bằng chính sức lao động của mình, gắn trách nhiệm của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo với đồng vốn nhà nước, xã hội đầu tư. Nhờ quan điểm, cách làm đúng đắn, hiệu quả này, năm 2022, toàn huyện Minh Long có 222 hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo”, ông Đinh Văn Điết nhấn mạnh.
* Giảm nghèo theo chiều sâu
Còn tại huyện Ba Tơ, bên cạnh việc khơi dậy khát khao thoát nghèo của người dân, chính quyền địa phương còn gợi mở những ý tưởng, giải pháp để người dân vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Phạm Văn Tân (xã Ba Vinh) là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm thuê làm mướn và hơn 10 ha vườn rừng trồng keo lấy gỗ. Dù rất muốn thay đổi điều kiện sống của gia đình, nhưng anh Tân lại không tìm được giải pháp. Hiểu được cái khó của gia đình anh Tân, chính quyền địa phương đã hướng dẫn anh cách nuôi gà thả vườn, vay vốn để mua bò thịt chăn nuôi. Nhờ đó, chỉ sau gần 2 năm, vợ chồng anh Tân đã vươn lên thoát nghèo và có tiền tích lũy để xây dựng lại căn nhà.
“Trước đây tôi chỉ biết trồng keo, 4- 5 năm mới cho thu hoạch. Bao nhiêu tiền thu được từ keo lại phải mang trả nợ đã vay ăn uống hoặc lo cho con học từ trước. Nhưng từ ngày được các cán bộ xã hướng dẫn cách chăn nuôi gà, không những gia đình có trứng, có gà thịt cải thiện bữa ăn mà còn có gà bán để lo tiền học, tiền sinh hoạt phí hàng ngày. Ngoài ra, với 2 con bò thịt đầu năm mua vào thì cuối năm xuất bán, sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 35 triệu đồng/2 con. Với số tiền này, gia đình tiếp tục mở rộng đầu tư vào chăn nuôi. Còn tiền từ bán gỗ keo, gia đình tích góp để dùng khi có việc cần và xây lại nhà”, anh Tân cho biết.
Để tạo điều kiện cho dân sản xuất, thực hiện khát khao thoát nghèo của bà con, huyện Ba Tơ đã thực hiện chương trình hỗ trợ, phát triển sản xuất, vận động đồng bào vay vốn từ Ngân hàng chính sách huyện để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, huyện tập trung xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi để giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, mua bán hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó, năm 2022, huyện Ba Tơ có 921 hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo. Cũng trong năm 2022, Ba Tơ đã ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, để từng bước giúp người nghèo có động lực vươn lên thoát nghèo, Ủy ban nhân dân huyện đã tranh thủ mọi chương trình, dự án cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức để xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hỗ trợ người dân.
“Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ xác định phải tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ của các ngành liên quan để hỗ trợ, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Phải chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc vào những hộ, thôn xã có khả năng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ cho hay./.