Là tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cua. Ngành hàng tôm đã tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân, còn đóng vai trò là “trụ đỡ” cho nền kinh tế địa phương vượt qua những khó khăn, thách thức.
TTXVN - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 (1945 - 2023), nhân dân địa đầu cực Nam Tổ quốc tràn ngập niềm tin với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó sẽ cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
* “Trụ đỡ” từ nền kinh tế nông nghiệp
Nông dân chiếm gần 77,22% dân số và khoảng 48,85% lực lượng lao động xã hội của tỉnh Cà Mau. Với sự quan tâm, nỗ lực từ các cấp Hội Nông dân, chất lượng sinh hoạt của hội viên nông dân thiết thực và hiệu quả hơn, tạo được sự đồng thuận, gắn kết, chia sẻ trong cuộc sống, lao động sản xuất. Đời sống người nông dân Cà Mau vì thế luôn được cải thiện, thu nhập hàng năm đều tăng, đến cuối năm 2022 đạt 61 triệu đồng/người/năm, tăng gần 19 triệu đồng so với năm 2018.
Ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau chia sẻ, bất chấp những khó khăn do đại dịch, thiên tai diễn biến phức tạp nhưng với quyết tâm vượt khó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác hội, phong trào nông dân đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu thi đua. Nhiều phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu bền vững được triển khai sâu rộng, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân. Qua phong trào, trên 657.000 lượt hộ hội viên, nông dân đăng ký và có trên 410.000 lượt nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và đã giúp trên 2.100 hộ nông dân thoát nghèo.
Là tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cua. Ngành hàng tôm đã tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân, còn đóng vai trò là “trụ đỡ” cho nền kinh tế địa phương vượt qua những khó khăn, thách thức.
Cà Mau có 41 nhà máy chế biến thủy sản của 38 doanh nghiệp với lực lượng công nhân lên đến 20.000 người. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt gần 250.000 tấn/năm. Với nền tảng đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; trong đó giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản rất nhạy bén, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong xuất khẩu. Máy móc thiết bị của các nhà máy chế biến thủy sản đã được đầu tư xứng tầm khu vực, tay nghề công nhân được nâng cao, chế biến được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng.
Theo kế hoạch, cuối năm 2023, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Festival Tôm nhằm giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chủ lực là con tôm, góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, trong và ngoài nước.
*Quyết tâm vượt khó
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; đồng thời với những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của doanh nghiệp và nhân dân. Nhận định được tình hình, ngay đầu năm, các cấp, các ngành của Cà Mau với quyết tâm trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng 8,61% so cùng kỳ (đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 5 cả nước); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%, tổng sản lượng thủy sản tăng 2,6%, tổng sản lượng lúa tăng 3,5%; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chiếm 32,5% tăng trưởng chung của cả nền kinh tế; thu ngân sách tăng 4,3% so cùng kỳ. Các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực; thu hút khách du lịch tăng 36% so cùng kỳ, tổng doanh thu tăng 33% so cùng kỳ…
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so kế hoạch, giảm 22,9% so cùng kỳ do các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm (Mỹ giảm 56,6%, EU giảm 19,3%, Nhật Bản giảm 47,7%, Australia giảm 56,8%...). Nguyên nhân do lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, các nhà phân phối hạn chế nhập khẩu dẫn; các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất...
Để khắc phục những khó khăn, nhất là đảm bảo mục tiêu xuất khẩu tôm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết sẽ tập trung nâng cao năng suất từ nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái vì đây là lợi thế của địa phương.
Theo phân tích, kinh tế của Cà Mau vẫn tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững và chưa mang tính toàn diện. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các ngành, doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn trên lĩnh vực sản xuất, giảm nguồn lực đầu vào, tạo tính đột phá, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi lần đầu tiên giá tôm nguyên liệu giảm sâu như hiện nay.
Các ngành, doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hạn chế; rà soát, tập trung giải quyết những công việc còn tồn đọng, đối chiếu các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Tỉnh ủy và cấp mình, của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 đã đề ra.
“Với tinh thần quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu, Cà Mau sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong những tháng còn lại của năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, tạo bước đột phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải tin tưởng./.
- Từ khóa:
- Quốc khánh 2/9
- Cà Mau
- vượt khó