Số lượng người lao động khu vực phía Nam tham gia các chương trình đưa đi lao động ở nước ngoài của Trung tâm Lao động ngoài nước vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế.
TTXVN - Ngày 29/8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhận định: Trong thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt nhiều bước tiến đáng kể. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, số lượng người lao động khu vực phía Nam tham gia các chương trình đưa đi lao động ở nước ngoài của Trung tâm Lao động ngoài nước vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Bá Hoan yêu cầu Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố phía Nam tăng cường công tác thông tin, quảng bá về các chương trình đưa người lao động làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chú trọng việc nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn lao động; đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các đơn vị chức năng liên quan.
Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tại địa phương bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc cho người lao động vay để học nghề, ngoại ngữ cũng như trang trải các chi phí khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với các tổ chức quốc tế đang phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ người lao động Việt Nam trong quá trình làm việc được tham gia các khóa học ngoại ngữ, đào tạo nghề, hướng nghiệp và các kỹ năng cần thiết khác. Qua đó người lao động có thể nhanh chóng ổn định tham gia thị trường lao động trong nước sau khi về nước.
Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cho biết: 23 tỉnh, thành phố phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn song số người lao động của các địa phương phía Nam tham gia các chương trình đưa đi lao động nước ngoài của Trung tâm vẫn còn hạn chế so với khu vực khác, chỉ chiếm khoảng 10% số lượng người lao động đưa đi của Trung tâm trên cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ lao động sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề các địa phương phía Nam tham gia tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm ở nước ngoài còn thấp. Từ năm 2018 đến nay, qua 4 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, sự khác biệt về tâm lý, nếp sống, chẳng hạn như việc ngại xa gia đình, ngại thay đổi khiến người lao động khu vực phía Nam chưa thể phát triển các phong trào đi làm việc nước ngoài như các địa phương miền Bắc và miền Trung.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố phía Nam, thông tin về các chương trình của Trung tâm chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều người lao động biết đến. Tính chất đặc thù của một số chương trình cũng khiến người lao động có tâm lý e ngại khi lựa chọn, chẳng hạn như Chương trình IM Japan có yêu cầu khá cao khi thi tuyển và kỷ luật nghiêm khắc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, để giúp người lao động hiểu và biết đến các chương trình làm việc nước ngoài nhiều hơn, các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp qua phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm. Đồng thời, chính quyền các cấp xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ; xây dựng cơ chế gắn kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở.
Tại Hội thảo, đại diện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương khu vực phía Nam đã nêu lên nhiều ý kiến về những thuận lợi, khó khăn trong việc đưa người lao động ở địa phương đi làm ở nước ngoài, qua đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Nhiều địa phương đề xuất đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Chương trình làm việc tại nước ngoài đến với người lao động; trong đó, chú trọng việc phổ biến các thông tin về yêu cầu, điều kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi tham gia các chương trình phi lợi nhuận.
Các địa phương mong muốn Trung tâm Lao động ngoài nước tạo sự tương tác thường xuyên với cơ sở nhằm kịp thời triển khai những thông tin có liên quan và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi có phát sinh. Bên cạnh đó, đề xuất với một số đối tác nước ngoài việc dành nhiều chỉ tiêu tuyển dụng lao động hơn nữa, qua đó thu hút thêm người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.