Xã hội

Khuyến khích áp dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp

Hưng Yên

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa trở nên phổ biến tại Hưng Yên.

Các sản phẩm tại hội chợ đều được gắn nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

(TTXVN) Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao độ tin cậy của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Trước mắt, giai đoạn 2022-2025, tỉnh hỗ trợ áp dụng, cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho trên 50% sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (được đóng gói sẵn) thuộc các lĩnh vực theo hướng dẫn của bộ, ngành chức năng, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được cập nhật lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia theo quy định.

Kế hoạch được triển khai kịp thời hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đưa thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lên Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia, tạo nên kho dữ liệu phục vụ nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm xuất khẩu và thương mại điện tử của doanh nghiệp. Như vậy, khi nhận thấy lợi ích của Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia dù chưa bắt buộc áp dụng việc truy xuất nguồn gốc cho toàn bộ sản phẩm, hàng hóa nhưng tổ chức, doanh nghiệp sẽ chủ động áp dụng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Từ nay đến năm 2025, Hưng Yên phấn đấu đạt 50% tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực nông lâm thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi, thực phẩm và dược phẩm được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức về hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, ban hành văn bản quản lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nâng cao nhận thức, lợi ích của việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Sở Khoa học và Công nghệ tư vấn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đảm bảo kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, truy xuất nguồn gốc giúp đơn vị quản lý phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vì hàng giả, hàng kém chất lượng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm; khuyến khích tiếp tục hình thành mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có nhiều chuỗi cung ứng hình thành, phát triển ổn định, có thương hiệu.

Các sản phẩm được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc mang lại hiệu quả, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, dễ dàng nhận diện nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đánh giá từ các cơ sở sản xuất an toàn theo chuỗi cho thấy, kết quả thu được cao hơn so với việc sản xuất, kinh doanh truyền thống. Cụ thể, sản phẩm rau có giá bán cao hơn từ 20-50%; các loại quả có giá bán cao hơn khoảng 30%; thịt và sản phẩm từ thịt giá bán cao hơn khoảng 10%. Sản phẩm thủy sản giá bán cao hơn từ 10-15% có nơi tăng 30% so với mô hình sản xuất truyền thống.

Sản phẩm vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận, UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Chất lượng vải lai chín sớm ngày càng nâng cao bởi quy trình canh tác an toàn hướng tới hữu cơ, được cấp tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu giúp quả vải to, có độ đường vừa phải, ngọt thanh, được nhiều người tiêu dùng tìm mua.

Anh Nguyễn Tiến Thiều ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ cho biết, việc sản xuất vải theo quy trình VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc khiến người tiêu dùng tin tưởng. Cùng với đó, người trồng vải ngày càng áp dụng kỹ thuật tiên tiến để tạo ra sản phẩm chất lượng, giúp quả vải lai chín sớm có giá trị cao hơn./

Đỗ Thị Huyền

Xem thêm