Tỉnh Đắk Lắk quyết tâm kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và bền vững.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm an toàn thực phẩm trong trường học, nhất là tại bếp ăn tập thể phục vụ học sinh bán trú. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, công tác kiểm tra, giám sát được siết chặt.
Tại Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột), công tác quản lý thực phẩm đầu vào và chế biến bữa ăn cho trẻ được thực hiện nghiêm ngặt.
Cô Dương Thị Ái Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường ký kết hợp đồng với công ty cung ứng thực phẩm có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
“Chúng tôi chỉ sử dụng thực phẩm tươi sống, không nhập hàng chín ngoài chợ. Mỗi ngày, nguyên liệu đều được kiểm tra trước khi đưa vào bếp. Toàn bộ quy trình nấu nướng diễn ra tại trường, học sinh và phụ huynh có thể yên tâm”, cô Dương Thị Ái Hạnh khẳng định.
Theo bà Chu Thị Liễu, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Hòa, địa bàn hiện có 6 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở. Ngay từ đầu năm học, phường Tân Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm định kỳ. Trạm phối hợp nhà trường giám sát chặt quy trình tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra điều kiện nhà bếp, lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Nhờ vậy, thời gian qua chưa xảy ra bất kỳ ca ngộ độc thực phẩm nào.
Theo thống kê, năm học 2024-2025, toàn tỉnh Đắk Lắk có 996 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; trong đó, có 327 trường mầm non, 368 trường tiểu học, 241 trường trung học cơ sở, 60 trường trung học phổ thông. Toàn tỉnh có gần 500.000 học sinh các cấp. Số lượng cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ ăn bán trú cho học sinh khá đông. Chỉ tính riêng bậc mầm non, có 325/327 trường tổ chức bếp ăn bán trú với gần 90.000 trẻ.
Theo bà Krông Ái Hương Lan, Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã đạt một số kết quả tích cực. Hầu hết các trường có tổ chức bếp ăn đều xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ, giám sát quy trình chế biến, bổ sung kiến thức cho giáo viên và nhân viên phụ trách bếp ăn.
Công tác tuyên truyền được ngành Giáo dục xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, không chỉ tại trường mà cả khi ở nhà.
Tuy nhiên, bà Hương Lan thừa nhận, nhiều bếp ăn trường học vẫn còn khó khăn về diện tích, chưa bố trí được quy trình bếp một chiều. Cơ sở vật chất một số nơi xuống cấp, nguồn nhân lực không ổn định do không có biên chế cố định cho nhân viên bếp ăn. Thời gian tới, Sở tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, quyết tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến học sinh.
Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ khuôn viên nhà trường mà cả bên ngoài và gia đình, do đó cần sự phối hợp liên ngành các cơ quan có liên quan như Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương. Bên cạnh đó, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh biết lựa chọn sản phẩm ăn uống có nguồn gốc, thời hạn sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, bà Hương Lan thông tin.
Ông Trần Quang Hưng, Phó trưởng Phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn được quan tâm. Tuy nhiên, một số tồn tại gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng như: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, dịch vụ nấu ăn lưu động có thể xảy ra do không tuân tuân thủ về an toàn thực phẩm... Việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu đầu vào của các cơ sở còn hạn chế nên đôi lúc còn sử dụng thực phẩm không đảm bảo do thiếu hiểu biết. Do đó, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, có sự phối hợp liên ngành. Quá trình kiểm tra hướng dẫn nhắc nhở việc bố trí bếp theo các quy định. Đối với các bếp ăn trên 30 suất phải lưu mẫu thực phẩm phục vụ việc điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm khi có sự cố xảy ra.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch về triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025. Tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 9 địa phương trên địa bàn. Các đoàn sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... để chấn chỉnh, kiểm soát kịp thời. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, các đoàn sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không đảm bảo an toàn được phát hiện lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm; đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục, Y tế và các cơ quan liên quan, tỉnh Đắk Lắk thể hiện quyết tâm cao trong kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và bền vững./.
- Từ khóa:
- An toàn thực phẩm
- Bếp ăn
- Trường học
- Đắk
- Lắk